Anh nông dân người Mông trồng cây vàng trên núi Cây quế Việt Nam trên lộ trình khẳng định thương hiệu Yên Bái: Phát triển cây quế thành cây chủ lực của địa phương |
Trung bình cứ 1ha quế, nhân dân Nậm Đét thu trên hơn 1 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN) |
Xã tỷ phú vùng cao đổi đời nhờ cây quế
Trái với cảnh hoang sơ ở những bản vùng cao, đến Nậm Đét thời điểm này, không khó để bắt gặp những ngôi nhà xây kiểu biệt thự 2 tầng, mái Thái, nhiều gia đình còn có cả ô tô đậu trước cửa.
Theo ông Đặng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét cho biết, mọi sự đổi thay trên mảnh đất này là nhờ cả vào cây quế. Trước đây, đời sống người dân Nậm Đét vô cùng khó khăn, đường giao thông chủ yếu là đất lầy, đá sỏi. Những nương ngô, nương sắn, lúa nương chưa bao giờ đủ giúp cho người Dao, người Mông lấp đầy bụng đói.
"Lúc đấy có đủ gạo ăn đã là mong ước xa xỉ, chứ nói gì tới có nhà đẹp, xe đẹp, làm giàu. Vậy mà, từ khi cây quế được đưa về trồng, cả vùng đất cằn này đã thay da, đổi thịt”, ông Phương cho hay.
Ông Triệu Tiến Thanh, thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà đã trồng được tổng cộng 20 ha quế. |
Xã Nậm Đét có 5 thôn thì 4 thôn toàn bộ các hộ đều có trồng quế. Hàng năm, cây quế mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân trong xã. Riêng năm 2022, tổng số tiền thu được từ cây quế hơn 62 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 là 42 triệu đồng/người/năm.
Trên địa bàn xã đã không còn hộ đói. Các hộ đều có thiết bị sinh hoạt đắt tiền, có hộ đã mua được ô tô, có tiền gửi tiết kiệm… Trên 70% số hộ đã có nhà kiên cố, nhà mái bằng khang trang.
Nâng tầm chất lượng ở "thủ phủ" quế
Xã Nậm Đét được biết tới là thủ phủ trồng quế của huyện Bắc Hà. Hiện toàn huyện Bắc Hà có 8.700 ha quế, trong đó diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 3.600 ha. Diện tích quế tập trung ở các xã khu vực hạ huyện, chủ yếu là xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Cốc Ly...
Quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, trồng 1 lần thu hoạch nhiều lần. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị.
Quế Nậm Đét được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Ấn Độ, Nhật Bản, EU. |
Bà con ở Nậm Đét cho biết, cây quế do bà Triệu Mùi Pham, người dân tộc Dao đem về Nậm Đét trồng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Sau một thời gian trồng, giá quế lúc lên lúc xuống khiến nhiều người không mấy mặn mà. Nhưng đến năm 2015, giá quế bắt đầu ổn định, cuộc sống của người trồng quế cũng khá lên từ đó. Nhiều hộ trồng quế ở Bắc Hà đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định như gia đình anh Triệu Phúc Tình, Đặng A Nhẩy...
Đặc biệt, mấy năm gần đây, người dân trồng quế ở Nậm Đét có xu hướng chuyển sang trồng quế hữu cơ, phát nương, làm cỏ theo cách làm truyền thống. Khi thu hoạch, phơi quế phải để nơi thoáng đãng, sạch sẽ trên nền trải bạt. Ngoài ra, lý do nông dân thích trồng quế hữu cơ hơn bởi giá thu mua quế hữu cơ cao hơn sản phẩm cùng loại khác.
Theo số liệu thống kê, ban đầu, diện tích quế trồng chỉ có 2ha, đến hiện tại đã tăng lên hơn 2.000ha, trong đó có 1.900ha cho thu hoạch. Đặc biệt, 1.297ha đã được cấp chứng nhận quế hữu cơ.
Có được điều này, phải kể tới năm 2018, Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét được thành lập đã giúp đầu ra của quế ổn định. Việc thành lập hợp tác xã là ý tưởng của 6 người con xã Nậm Đét đau đáu với ước mơ đưa quế vươn tầm thế giới, do anh Triệu Phúc Vầy làm Giám đốc hợp tác xã.
Các hộ trồng quế ở Nậm Đét hiện đã thay đổi phương thức sản xuất, tổ chức trồng, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để chinh phục các thị trường khó tính.
Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét cũng đã liên kết với hơn 100 hộ trồng quế theo quy trình sạch và xây dựng thành công chứng nhận quế hữu cơ quốc tế - đây là giấy thông hành để quế Nậm Đét vươn tầm thế giới. Hiện sản phẩm quế của hợp tác xã xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, EU và Nhật Bản.
Cây quế giúp 80% hộ dân Bản Lắp (xã Nậm Đét) có nhà xây kiên cố. |
Từ cây quế có thể sơ chế ra 12 sản phẩm quế khô và tinh dầu, ngay cả cuống lá rụng xuống cũng có thể làm thành trà quế thơm ngon, có tác dụng phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Người trồng có thể tận thu, không phải bỏ đi thứ gì cả. Các chuyên gia phân tích lượng tinh dầu trong quế trồng ở Nậm Đét cao hơn và chất lượng tốt hơn các vùng trồng khác do đó giá thu mua quế trồng ở Nậm Đét cũng cao hơn.
Bởi vậy, mô hình trồng quế hữu cơ, quế sạch đã giúp bà con người Dao ở huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) có nguồn thu ổn định lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm./.