Thu hoạch lúa thơm ST trên cánh đồng lớn ở Sóc Trăng
Tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp
Nhờ có lợi thế về địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước cho phép Sóc Trăng phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, bền vững. Qua các kỳ đại hội, Ðảng bộ tỉnh luôn xác định kinh tế nông nghiệp là thế mạnh, từ đó tập trung chỉ đạo từ khâu quy hoạch tới huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết, sau hơn 5 năm thực hiện đề án về cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường, đời sống nông dân từng bước cải thiện, nâng cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, lúa là cây chủ lực của Sóc Trăng, với diện tích gieo trồng hằng năm hơn 350.000 ha. Ðến nay, tỉnh đã chuyển 50,6% diện tích canh tác (tương đương 177.088 ha) từ các giống lúa thường, kém chất lượng sang các giống lúa đặc sản, lúa thơm. Năm 2019, tổng sản lượng lúa đạt 2,17 triệu tấn, vượt 8,6% kế hoạch đề ra, tăng 1,9% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng lúa đặc sản 1,07 triệu tấn, tăng 21,9% so cùng kỳ. Phát triển được 423 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tăng 194 ha so năm 2018. Từ một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đến nay, trên địa bàn tỉnh phát triển nhiều mô hình với hàng nghìn héc-ta theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.
Ðáng chú ý là mới đây, gạo thơm ST25 của Sóc Trăng được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Manila, Philippines. Giống lúa thơm ST hữu cơ được trồng trên ao tôm ở Sóc Trăng đã và đang phát huy thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" với những ưu thế như dễ canh tác, ngắn ngày và phù hợp với thổ nhưỡng ven biển riêng có ở nước ta. Hiện gạo thơm ST tại Sóc Trăng đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế theo tiêu chuẩn USDA tại Mỹ và châu Âu, không chỉ phù hợp sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường mà còn là cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu do đặc tính chịu hạn, mặn tốt.
Đổi đời nhờ sản xuất nông nghiệp thông minh
Nhiều nông dân ở Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh, mang lại thu nhập cao.
Theo Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, với nhiều giải pháp triển khai thiết thực, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong hội viên, nông dân tỉnh Sóc Trăng.
Đối với nông nghiệp thông minh, nông dân ứng dụng trong 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản trong vài năm gần đây ở đã tạo những bước khởi đầu tích cực. Trong lĩnh vực trồng trọt thể hiện rõ nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt cũng như nỗ lực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là tăng cường liên kết, hỗ trợ từ nhiều nhà trong sản xuất nông nghiệp.
Điều đáng mừng là có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết với hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nông hộ để phát triển công nghệ thông minh, mở rộng thị trường, góp phần tạo ra lợi thế mới thúc đẩy tăng trưởng chung trong toàn tỉnh.
Điển hình như hộ ông Cô Văn Nỉ, ngụ thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, phối hợp công ty Việt Úc đầu tư mô hình trồng nấm linh chi đỏ và nuôi cấy đông trùng hạ thảo bằng công nghệ sinh học. Nhờ áp dụng quy trình công nghệ 4.0 kết hợp các cảm biến điện tử giúp kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm và môi trường. Nhờ đó, cây nấm phát triển tốt, tiết kiệm công lao động, rút ngắn thời gian thu hoạch xuống còn 3 tháng đối với đông trùng hạ thảo và 5 tháng đối với nấm linh chi.
Theo ông Nỉ, sử dụng công nghệ sinh học giúp sản phẩm nấm linh chi đỏ và đông trùng hạ thảo làm ra không có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, sản phẩm làm ra được bao tiêu toàn bộ với giá cao.
Nhờ cải tiến, ứng dụng hệ thống tưới đa năng cho vườn nhãn Ido, anh Phục tiết kiệm được chi phí, năng suất tăng
Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt trên vùng đất Cù Lao Dung, anh Trần Văn Phục, ngụ xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung đã cải tiến, ứng dụng hệ thống tưới đa năng cho vườn nhãn Ido phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương.
Bằng kiến thức và kinh nghiệm sản xuất lâu năm, anh Phục đã thực hiện ghép phôi nhãn Ido qua gốc nhãn tiêu da bò để thay thế và chuyển đổi giống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp hơn 50% so với trồng mới, thời gian thu hoạch cũng rút ngắn 18 tháng so với trồng mới.
Anh Phục cho biết: "Hệ thống tưới đa năng rất tiện lợi, tất cả các loại van điều khiển tưới nước đều là tự vận hành, từng ống tưới nước nhỏ được dẫn âm dưới rễ và nước tưới được phun rỉ ra qua những lỗ nhỏ trên thân ống. Hệ thống tưới này cung cấp nước tưới, phân bón, chất dinh dưỡng trực tiếp tới gốc cây, giúp rễ cây hấp thụ hiệu quả, không lãng phí nước và điều chỉnh được lượng nước tưới phù hợp tùy vào từng thời điểm cụ thể".
Từ khi thực hiện mô hình này, anh Phục giảm hơn 70% công lao động, tiết kiệm hơn 50% lượng nước so với tưới thông thường, năng suất tăng 15 – 20%. Ngoài ra, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, phân bón đa năng và phun khói, đuổi côn trùng thay thế hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật, chi phí giảm được 50%.
Hiện tại anh Phục là giám đốc hợp tác xã nông nghiệp thông Minh có ký kết hợp đồng tiêu thụ nhãn Ido sang thị trường Châu Âu.
Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng là những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp trước thách thức của biến đổi khí hậu.
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất của các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phù hợp với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Hồng Nga