LTS: Ở nước ta tình trạng vi phạm về nhãn mác, thời hạn sử dụng sản phẩm, hàng hóa còn khá phổ biến. Theo nguyên tắc, tất cả hàng hóa khi hết hạn sử dụng thì phải tiêu hủy, chỉ một số ít trường hợp có thể tái chế để sử dụng, tận dụng nhưng cũng phải theo quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm đều quy định về thời hạn sử dụng rất rõ ràng, cụ thể và cần phải thu hồi, tiêu hủy khi hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, việc tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng là rất hiếm, không nhiều cơ sở, cửa hàng buôn bán tự giác tiêu hủy. Vậy vấn đề đặt ra là số hàng hóa, sản phẩm đã hết hạn sử dụng đó đi đâu? Thực tế hiện nay, một số nhà phân phối, bán lẻ vẫn lén lút đưa ra thị trường tiêu thụ. Minh chứng điều này là cơ quan chức năng đã phát hiện ra không ít trường hợp các hàng hóa hết hạn sử dụng vẫn được công khai bày bán. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc tiêu hủy hàng hết hạn là việc làm thường xuyên, bình thường và thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng, với đối tác và cả với đất nước. Tuy nhiên, ở nước ta, việc tiến hành tiêu hủy hàng hết hạn rất hiếm, rất ít. Phần lớn các vụ việc tiêu hủy là do cơ quan chức năng tiến hành sau khi tịch thu, xử lý vi phạm. Trách nhiệm chính ở đây chủ yếu thuộc về nhiều phía gồm trước hết là các nhà phân phối, bán lẻ. Đó là nhiều nhà phân phối đã không làm tròn trách nhiệm của mình khi không thống kê, báo cáo và trả lại hàng hóa hết hạn sử dụng cho nhà sản xuất để tiêu hủy. Thậm chí có trường hợp có thống kê báo cáo, hoàn trả tiền nhưng vẫn cố tình đưa hàng hóa hết hạn ra thị trường tiêu thụ. Về phía các Doanh nghiệp nhà sản xuất không quan tâm đến người tiêu dùng khi không nắm bắt tình hình phân phối, bán lẻ và kiên quyết thu hồi các sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng để tiêu hủy, tái chế. Một số nhà phân phối, bán lẻ cố ý đưa các sản phẩm hết hạn sử dụng ra thị trường tiêu thụ. Đối với các cơ quan chức năng, chưa có biện pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi mua bán hàng hết hạn. Dưới khía cạnh nào đó, người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm khi chưa làm tròn bổn phận là chính người quyết định việc có mua sắm, tiêu thụ hàng hết hạn hay không với tư cách là người tiêu dùng thông minh, nắm bắt, hiểu biết về các loại hàng hóa trước khi quyết định tiêu thụ. Đồng thời, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, nhà phân phối, bán lẻ cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý. |
Hiện nay, tại nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa, nhiều vi phạm liên quan đến vấn đề hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm hết hạn sử dụng nhưng vẫn được đem bán tại quầy, sản phẩm hư hỏng hay thậm chí sản phẩm vi phạm tem nhãn xảy ra khá phổ biến và được dư luận quan tâm. Không ít người tiêu dùng đang đặt niềm tin vào siêu thị vì cho rằng hàng hóa tại đây có nguồn gốc đảm bảo, có chất lượng và uy tín.
![]() |
Siêu thị Đức Thành bán hàng hết date 24 ngày |
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua khách hàng của siêu thị Đức Thành (Cơ sở 7: Tầng 1, Tòa nhà HH02-C, Khu đô thị mới Thanh Hà, Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội) phản ánh siêu thị này bán sản phẩm hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng….
Cụ thể, theo anh T. cư dân Khu đô thị mới Thanh Hà cho biết: “Ngày 28/9/2023, tôi có mua 2 sản phẩm Khoai tây ống jacker (100g) tại siêu thị Đức Thành (Cơ sở 7: Tầng 1, Tòa nhà HH02-C, Khu đô thị mới Thanh Hà, Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội. Khi về nhà tôi có kiểm tra thông tin về sản phẩm thì khá bất ngờ sản phẩm Khoai tây ống jacker mà tôi mua đã bị hết hạn (ngày hết hạn sản phẩm 04/09/2023). Tôi không hiểu vì lý do gì một siêu thị lớn có chuỗi hệ thống phủ khắp Hà Nội mà vẫn để xảy ra sự việc này? Và không hiểu việc quản lý siêu thị ra sao khi sản phẩm hết hạn hẳn 24 ngày rồi mà siêu thị này không hề hay biết.?.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Đức Thành cho biết: “Hàng thì Công ty đặt trực tiếp từ nhà phân phối về. Nhân viên của hãng đấy có trách nhiệm hàng tháng, hàng tuần phân bố lịch qua để chăm sóc, kiểm date, kiểm tồn, thiếu hàng người ta tự lên đơn để báo quản lý siêu thị. Quản lý siêu thị check tồn đúng sản phẩm chuẩn bị hết date đấy thì nhân viên hãng sẽ đổi cho siêu thị. Hết hàng thì nhân viên đó tự lên đơn rồi mình kí vào đơn đấy thì người ta sẽ giao tiếp.
Trước vấn đề siêu thị Đức Thành cơ sở Thanh Hà bán hàng hết date thì vị này đưa ra lời giải thích: “Cái trường hợp đấy là cái nhà phân phối đấy, chị tìm hiểu ra là người ta thay đổi nhân viên thị trường. Hiện tại là người ta bỏ bẵng đi, người ta không qua kiểm tra. Chưa có nhân viên mới để qua chăm sóc, để kiểm tra date hàng hóa. Chính vì như thế, cái sản phẩm đấy nó đang bị hết, còn tồn duy nhất có 2 hay 3 sản phẩm của cái nhãn đấy ở trên quầy kệ. Hiện tại, nó cũng đang là hết nên người ta cũng không qua kiểm tra mà người ta cũng không qua đặt hàng tiếp. Đấy là trường hợp nó là thế”.
Khi được hỏi hướng giải quyết vấn đề khi khách hàng mua phải hàng hết date tại siêu thị Đức Thành, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết thêm: “Giải pháp thứ nhất là xin lỗi người tiêu dùng, không may cái xác suất trường hợp nó xảy ra. Thứ 2 nữa cũng là đề nghị nhà cung cấp, để người ta còn xem xét lại, người ta làm đứt gãy cái công việc người ta đang làm. Thì cũng chỉ có biện pháp đấy thôi chứ cũng không biết làm thêm thế nào. Sự việc cũng đã xảy ra rồi”.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) khi trao đổi với báo chí đã đưa ra khuyến nghị: Người dùng phải thông minh để nhận biết sản phẩm, thay vì dựa vào nhãn mác và hạn sử dụng của hàng hóa. Do hàng hóa tràn lan nhiều trong các siêu thị, cũng có nhiều người kinh doanh trong một siêu thị, vì thế hàng hóa không đảm bảo cũng có thể dễ dàng tràn lan vào. Thực tế ở nước ta hiện nay các siêu thị lớn có độ an toàn cao hơn so với chợ, chứ không phải là tuyệt đối.
Cũng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, việc siêu thị bán hàng hết hạn là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác. Nếu người dùng bị ảnh hưởng đến sức khỏe thì siêu thị đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn nếu người dùng mua trước ngày hết hạn, nhưng quá ngày hết hạn, nếu vẫn dùng thì sẽ tự chịu trách nhiệm.
Mức xử phạt đối với hành vi bán hàng hết hạn sử dụng? Căn cứ Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định: "Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng. 3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng. 4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. 5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng. 6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng. 7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng. 8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. 9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng. 10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. 11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. 12. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; b) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản; c) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. 13. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này; b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. 14. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này; b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này." Ngoài ra tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định: "Điều 4. Quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả ... 4. Mức phạt tiền: a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức; b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.” Như vậy theo quy định trên bán hàng hết hạn sử dụng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm có mức xử phạt cụ thể nêu trên. Lưu ý mức xử phạt trên đối với cá nhân, đối với tổ chức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Ngoài ra còn tịch thu tang vật đối với hàng hóa hết hạn sử dụng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. |