Trong 6 tháng của năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã lập kỷ lục tăng gấp đôi so với năm 2022. |
Xuất khẩu sầu riêng xác lập kỷ lục, chất lượng đi xuống
Kỷ lục mới về xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vừa mới được lập, chỉ 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đã gấp đôi cả năm 2022.
Nếu tính trong vòng 5 năm qua, diện tích sầu riêng đã tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên diện tích trồng tăng, sản lượng không thiếu, nhưng do quy trình chăm sóc và thu hái chưa đảm bảo đã khiến chất lượng sầu riêng giảm, khiến doanh nghiệp thiếu sản lượng xuất khẩu, trong khi sầu riêng tại nhà vườn đang tồn nhiều.
Doanh nghiệp đã phải đầu tư thêm kho lạnh để chứa sầu riêng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện sầu riêng liên kết với nông dân đang khoảng 500 tấn, nhưng doanh nghiệp chỉ dám ký đơn hàng xuất khẩu với đối tác Mỹ 300 tấn. Doanh nghiệp không dám nhận bởi chất lượng sầu riêng không đồng đều. Tỷ lệ không đạt chất lượng lên tới 30%, thậm chí có thời điểm lên tới 50%.
"Trung bình xuất khẩu sang Mỹ từ 10 - 15 container. 1 container trung bình khoảng 17 tấn nên chúng tôi phải mua lên 22 - 23 tấn, thậm chí mua 25 tấn. Khi về mình phải chọn lọc lại", ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Ngọc Cái Bè, Tiền Giang, cho biết.
Theo thông báo, vừa qua, nhiều container của Việt Nam đi qua chất lượng không tốt, bị yếu, bị sượng, bị non. |
Bên cạnh việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thương lái chạy theo số lượng nên cố tình cắt sầu riêng chưa đủ tuổi để bán tại các thị trường dễ tính. Đây là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến chất lượng sầu riêng tại Việt Nam bị giảm sút, cũng là lý do sản lượng nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ hàng để xuất khẩu sang thị trường khó tính.
"Thay vì chỉ cắt được 5 tấn, họ cắt tới 10 - 15 tấn trong ngày đó. Theo thông báo, vừa qua, nhiều container của Việt Nam đi qua chất lượng không tốt, bị yếu, bị sượng, bị non khiến những nhà doanh nghiệp đó bị thua lỗ nhiều và những container đó họ sẽ bán không được, phải quay đầu về lại Việt Nam", bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, Xuân Lộc, Đồng Nai, thông tin.
"Thái Lan người ta đi trước mình rất lâu. Trong Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định nếu người nông dân sản xuất, thu hoạch sầu riêng không đảm bảo chất lượng, thu hoạch non sầu riêng, người ta quy vào cái tội lừa gạt khách hàng", ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, cho hay.
Vừa mở rộng đi đôi với nâng chất mã số vùng trồng sầu riêng
Hiện cả nước có gần 6.500 vùng trồng và hơn 1.700 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu. 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, bưởi… xuất sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE...
Theo Cục Bảo vệ thực vật, các địa phương ngoài việc tích cực mở rộng thêm mã số vùng trồng mới, phải nâng cao chất lượng mã số vùng trồng, chấn chỉnh giám sát chất lượng, sản lượng phù hợp với mã số vùng trồng, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.
"Chúng tôi sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị nhằm quán triệt lại các điều kiện của nước nhập khẩu cũng như rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý của các địa phương nhằm chấn chỉnh, nâng cao công tác quản lý nhà nước về việc quản lý cấp mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói, trên cơ sở đó thực thi tốt việc thu hồi mã số không tuân thủ, thu hồi trường hợp vi phạm nhiều lần, thu hồi trường hợp gian lận về mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói", ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Các địa phương ngoài việc tích cực mở rộng thêm mã số vùng trồng mới, phải nâng cao chất lượng mã số vùng trồng sầu riêng. |
Nếu chúng ta còn buông lỏng quản lý mã số vùng trồng, rất có thể tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị thu hồi, đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế để xuất khẩu nông sản vào những thị trường giá trị cao, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng trái cây.
Tập trung tăng diện tích, không chú trọng đến chất lượng là nguyên nhân khiến sầu riêng Việt Nam không được giá tại các thị trường khó tính. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có chế tài, biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thu hái sầu riêng non, góp phần giúp sản lượng sầu riêng đi đôi với chất lượng.
Để tính đường dài cho sầu riêng, còn phải nỗ lực đẩy mạnh những hoạt động xúc tiến tìm thị trường mới, quảng bá sản phẩm có hiệu quả, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm cần được chú trọng. Các nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã cần phải có sự tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng trong quá trình canh tác, giúp tăng khả năng cạnh tranh trong thời gian tới./.