LS. Phạm Lộc Ninh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, Viện trưởng Viện kỹ thuật chống hàng giả |
Tràn lan hàng giả trên mạng
Theo nghiên cứu của Facebook, có tới 79% người mua sắm được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trực tuyến và 82% sử dụng các thiết bị di động vì an toàn và thuận tiện hơn; 60% người mua hàng cho biết đã chuyển sang các kênh trực tuyến như sàn thương mại điện tử. Việc kiểm soát hàng hóa trên các nền tảng internet đã khiến cho cơ quan chức năng bối rối và vất vả hơn trước nhiều, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian dài cũng đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường), việc đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada... để đưa hàng từ nước ngoài vào Việt Nam rất dễ dàng. Đặc thù của việc kinh doanh online là người bán không có gian hàng thực tế nên rất khó kiểm tra, có khi họ chỉ lập ra website hoặc gian hàng ảo trong một thời gian ngắn và bán hết lô hàng thì đóng cửa, nên khi cơ quan chức năng phát hiện thì đã không xử lý được. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm tăng cao, tâm lý sính hàng ngoại và có một bộ phận cán bộ ngó lơ hoặc tiếp tay cho việc buôn lậu đã khiến cho tình hình chống hàng gian, hàng giả trở nên phức tạp hơn trước.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT - cho biết, trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải đặc biệt đề cao đến các biện pháp phòng ngừa. Do vậy, công tác tuyên truyền phổ biến là rất quan trọng, phải đổi mới, sáng tạo các hình thức truyền thông.
“Bên cạnh các biện pháp truyền thông truyền thống phải tận dụng sức mạnh từ các nền tảng mạng xã hội. Chính vì vậy, Tổng cục QLTT sẽ xây dựng các kênh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội nhằm cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin về lĩnh vực QLTT;
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng, doanh nghiệp cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh và kỳ vọng, những kênh truyền thông mới này sẽ là công cụ hữu hiệu, hiện đại và văn minh, giúp công tác phòng, chống hàng giả của lực lượng QLTT đạt hiệu quả hơn nữa.
Phương án kinh tế kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin
Trước thực trạng như trên, Viện kỹ thuật chống hàng giả đã xây dựng Phương án kinh tế kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin với mục đích liên kết giữa Quản lý vùng nguyên liệu – Quản lý chế biến - Phân phối và truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu qua sàn TMĐT nhằm làm minh bạch hóa thị trường và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đến từng sản phẩm. Cụ thể:
Ứng dụng quản lý chuỗi cung ứng của Viện kỹ thuật chống hàng giả là một giải pháp tổng thể và toàn diện, nhằm hỗ trợ toàn diện các tác nhân tham gia vào chuỗi cung ứng, bao gồm: Đơn vị sản xuất, đơn vị chế biến, đơn vị vận chuyển; đơn vị phân phối, đơn vị quản lý nhà nước hoặc nhà quản lý chuỗi và cộng đồng người tiêu dùng...để thực hiện việc quản lý một cách toàn diện chuỗi nêu trên ứng dụng cần có các phân hệ phần mềm cho từng nhóm đối tượng.
Trong đó, ứng dụng cho nhà quản lý được phát triển dưới dạng Web sử dụng trên máy tính cá nhân có kết nối internet, giúp nhà quản lý tham gia quản lý chuỗi cung ứng một cách toàn diện và hiệu quả.
Ứng dụng cho nhà sản xuất, là ứng dụng được phát triển trên điện thoại thông minh và trên Web, giúp nhà sản xuất số hoá mọi thông tin của cơ sở sản xuất và hoạt động sản xuất của mình.
Ứng dụng cho đơn vị vận chuyển là ứng dụng được phát triển trên điện thoại thông minh, ứng dụng giúp cập nhật thông tin giao vận các đơn hàng lên hệ thống điện tử.
Ứng dụng quản lý bán lẻ là phần mềm quản lý bán hàng, được phát triển trên nền tảng Web và App, ứng dụng giúp kiểm soát toàn bộ thông tin.
Ứng dụng thương mại điện tử - Sàn TMĐT được xây dựng trên hai nền tảng là Web và App cho phép kết nối giữa nhật ký sản xuất và nhật ký chế biến, phần mềm quản lý bán hàng, liên thông dữ liệu nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, chế biến, phân phối mở gian hàng điện tử trên hệ thống để bán sản phẩm hoặc có thể đăng tin rao bán sản phẩm trên hệ thống giao thương của trang thương mại điện tử từ khi sản phẩm còn đang trong quá trình sản xuất (bán sỉ). Đồng thời giúp người tiêu hàng và thương lái có thể tiếp cận được nguồn sản phẩm an toàn đúng giá, ứng dụng có thể giúp cho các doanh nghiệp mở gian hàng, quảng bá bán các sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Ứng dụng cho người tiêu dùng - Mạng xã hội trên điện thoại thông minh giúp người tiêu dùng có thể soi quét để truy xuất thông tin nguồn gốc của sản phẩm thông qua tem truy xuất gắn lên trên sản phẩm, ứng dụng sẽ thông báo cho người tiêu dùng về tình trạng của sản phẩm bằng Tex, âm thanh, hình ảnh và video.
Có thể nói, các ứng dụng sẽ cung cấp cho nhà quản lý công cụ để số hoá toàn diện đối tượng quản lý trên địa bàn, giám sát tình hình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, sản lượng hàng hoá, tình hình sử dụng vật tư phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV. Qua đó thống kê báo cáo chỉ đạo điều hành quản lý nhà nước một cách hiệu quả lĩnh vực sản xuất, chế biến, kết nối giao thương nông lâm thuỷ hải sản trên địa bàn quản lý.
Đồng thời, giúp cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối sớm tiếp cận với công nghệ thông tin để phục vụ quản lý sản xuất và giao thương, qua đó thay đổi nhận thức, hành vi, từng bước chuẩn hoá quy trình sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Như vậy phương án này sẽ đảm bảo nền sản xuất khoa học, minh bạch nguồn gốc sản phẩm, chống gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chống làm giả, làm nhái sản phẩm, định hướng và lành mạnh hoá thị trường.