Nông dân Long An kỳ vọng với những nỗ lực và canh tác bài bản an toàn sầu riêng có nhiều cơ hội thuận lợi để xuất khẩu chính ngạch. |
Cây sầu riêng bén rễ trên vùng đất phèn
Gần 6 năm qua, khi đưa sầu riêng về trồng, anh Trần Đăng Khoa, chủ vườn hơn 3,5 ha sầu riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An thực hiện bài bản những quy trình do Viện Cây ăn quả miền Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn. Đến nay, vườn của anh Khoa đã có 48 gốc cho trái và 90 gốc sầu riêng khác chuẩn bị cho trái.
Đưa cây sầu riêng về trồng trên đất phèn có nhiều khó khăn, tuy nhiên bằng cách áp dụng quy trình canh tác, nỗ lực cải thiện môi trường, trái sầu riêng ở vùng Tân Thạnh đã có được chỗ đứng ở thị trường trong nước. Việc một số quốc gia tạo điều kiện cho sầu riêng Việt Nam nhập khẩu chính ngạch đã mở ra tương lai cho các nhà vườn.
“Bước đầu được mở cửa cho hàng đi chính ngạch ở Trung Quốc, việc cấp mã vùng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất trái cây cũng như hàng nông sản để xuất khẩu chính ngạch. Sản phẩm mình làm ra thì không bị thương lái ép. Hàng hóa cũng được giá chứ không có thừa hàng dội chợ như những năm trước” - anh Trần Đăng Khoa nói.
Anh Trần Đăng Khoa, chủ vườn hơn 3,5ha sầu riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. |
Bên cạnh trái Thanh Long, sầu riêng Long An đang được kỳ vọng trở thành nông sản chất lượng cao, hướng đến thị trường xuất khẩu nhằm mang lại động lực để thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân địa phương.
Song, để tạo thương hiệu sầu riêng cho vùng đất này, nhà vườn Đoàn Thiên Thanh, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An kiến nghị: “Xưa giờ bà con xuất đơn lẻ hay bị ép giá. Giờ được xét mã vùng trồng thì bà con rất là quý. Tôi nhờ bên nhà nước của mình bảo vệ được mã vùng trồng cho bà con. Sợ có cái là thương lái người ta mượn mã vùng trồng của mình rồi trà trộn nhập những hàng khác kém chất lượng vô. Khi có mã vùng trồng đưa ra thì đã có thương hiệu thì nỗ lực quản lý tốt hơn để tránh mất uy tín, mất thương hiệu của mã vùng trồng”.
Tuân thủ các quy trình để đẩy mạnh xuất khẩu
Long An hiện có hơn 320 ha sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Thạnh. Trước mắt trái sầu riêng Tân Thạnh đang nỗ lực tiếp cận thị trường Trung Quốc. Để được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng thì nhà vườn canh tác sầu riêng phải áp dụng các tiêu chuẩn như: Kiểm dịch, an toàn thực phẩm, phòng chống Covid-19, ghi chép nhật ký sản xuất… Khi vùng trồng được cấp mã số sẽ được bảo mật theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ông Nguyễn Văn Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt Long An cho biết: “Theo quy định của Cục bảo vệ thực vật thì mã vùng trồng này chỉ công bố riêng cho người đại diện vùng trồng, không cho ai biết để tránh trường hợp mạo danh, ăn cắp mã số để xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp với Trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu, thường xuyên theo dõi thông tin về mã số vùng trồng. Nếu có vấn đề nghi ngờ thì sẽ ngưng lô hàng để kiểm tra”.
Long An đã chủ động được vùng nguyên liệu sầu riêng để xuất khẩu. |
Việc ngành nông nghiệp tập trung thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; hướng dẫn tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới sẽ giải được bài toán trúng mùa rớt giá, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Cùng với trái xoài, trái sầu riêng Long An đang từng bước khẳng định thương hiệu. Tập trung nâng cao chất lượng, tuân thủ các quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính là nền tảng để người trồng sầu riêng yên tâm mở rộng diện tích, tăng sản lượng mà không lo đầu ra./.