3 điểm mới nổi bật của cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 Giá nông sản hôm nay 16/3: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng Giá nông sản hôm nay 17/3: Cà phê tiếp đà tăng, hồ tiêu tăng nhẹ một vài nơi |
Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ tạo nên hệ sinh thái cà phê bền vững. |
Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị tạo nên hệ sinh thái cà phê bền vững, tạo các vi sinh vật có lợi trong đất phát triển mạnh, có tác dụng cải tạo môi trường đất theo hướng có lợi, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng tối đa, nhằm hạn chế bốc hơi, rửa trôi phân bón bảo vệ môi trường, làm tăng khả năng độ phì nhiêu của đất, đất canh tác tơi xốp hơn, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, đất khỏe, cây trồng khỏe làm hạn chế việc sử dụng thuốc hoá học và đầu tư phân bón cho cây trồng cũng được tiết kiệm hơn.
Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ cũng nhằm tạo ra sự an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng. Sản phẩm sau khi được sơ chế, chế biến đảm bảo chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định, sản phẩm sản xuất ra thân thiện với môi trường, người sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm hơn với môi trường.
Cà phê phát triển tốt, năng suất ổn định, vượt trội
Gia đình ông Lữ Thành Thanh, xã Tân Thành, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) có hơn 2 ha cà-phê. Trước đây do canh tác theo lối truyền thống, bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu bệnh thiếu kiểm soát nên dẫn đến đất đai bạc màu, nhiễm độc, cây cà-phê nhanh suy giảm, già cỗi, năng suất không ổn định. Từ khi tham gia mô hình sản xuất cà-phê theo hướng hữu cơ, ông Thanh được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách xử lý đất, tưới tiết kiệm nước, đặc biệt là kỹ thuật sử dụng các loại phân hữu cơ nên vườn cà-phê phát triển khá tốt, năng suất ổn định, vượt trội, ít bị bệnh.
Ông cho biết, so với canh tác cà-phê theo lối truyền thống, canh tác theo hướng hữu cơ có lợi hơn nhiều. Chiều dài cành cho trái, số cành dự trữ của cây tăng lên, sâu bệnh hại giảm đến mức thấp nhất, năng suất tăng hơn nhiều so với sản xuất theo lối truyền thống, chi phí cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể.
"Đặc biệt là việc bảo đảm sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Cà-phê sản xuất theo hướng hữu cơ cũng rất được thị trường ưu chuộng, bán giá cao, đầu ra ổn định", ông Thanh nói.
Tương tự, gia đình bà Nông Thị Phíp, xã Nâm Nung cho biết, những năm trước, mỗi héc-ta cà-phê chỉ thu hoạch được 2,5 tấn. Sau khi tham gia mô hình, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững thì sản lượng cà-phê tăng lên hơn 3,5 tấn/héc-ta, hạt cà-phê đồng đều, lớn hơn, giá bán cao hơn so với cà-phê sản xuất theo kiểu truyền thống, sản lượng sau thu hoạch chủ yếu được các hợp tác xã bao tiêu nên người nông dân rất thuận lợi.
"Cà-phê theo mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững đang được hợp tác xã thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 5 đến 7.000 đồng/kg. Sản phẩm an toàn, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định… Vì vậy, mô hình đang được lan tỏa, nhân rộng tại địa phương", bà Phíp chia sẻ.
Từ khi tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị do ngành nông nghiệp địa phương phát động, ông K’Long Ha Prăng, người dân tộc K’ho, ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm trước sự biến động của thị trường. Ông cho biết, chỉ cần canh tác theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo các quy trình sản xuất do HTX trên địa bàn đưa ra cà phê sẽ bán được giá cao, thu nhập tăng hơn rất nhiều trên cùng diện tích canh tác so với trước.
“Nhờ được các cán bộ hướng dẫn tập huấn kỹ thuật bà con mới có sự đổi mới trong quá trình thu hái cà phê. Cụ thể là bà con chỉ được hái quả chín, hái những quả đảm bảo đạt lượng đường theo quy định. Trước đây cà phê mình làm không có giá, nay giá đang tăng từng ngày, vì vậy cần phải chấp hành đúng theo quy định của HTX đưa ra để đảm bảo duy trì chất lượng. Trước đây, không có ai chỉ vẽ làm cà phê phải thế này, thế kia nhưng giờ được chỉ dẫn cụ thể bà con ai cũng thích”, ông K’Long Ha Prăng chia sẻ.
Nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê sau thu hoạch
Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị của HTX Nông nghiệp Thành Thái. |
Ông Phạm Tấn Minh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông cho biết, người dân tham gia dự án đã cung cấp sản phẩm cà-phê chất lượng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà-phê sau thu hoạch, phát triển bền vững ngành hàng cà-phê tại địa phương.
Cũng theo ông Minh, việc triển khai dự án canh tác cà-phê hữu cơ, bền vững có nhiều thuận lợi bởi các hộ tham gia dự án đều có đầy đủ nguồn lực để sản xuất và sản phẩm cà-phê hữu cơ được phục vụ cho chế biến cà-phê chất lượng cao. Vì vậy, hiệu quả kinh tế đối với người sản xuất cà-phê tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, sản xuất hữu cơ, bền vững sẽ giúp nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm cà-phê Đắk Nông.
Hiện nay, tại địa phương có Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp Công bằng Thanh Thái đang thử nghiệm sản xuất vỏ cà-phê hữu cơ để tạo sản phẩm trà khô. Nếu thành công sẽ góp phần giúp Đắk Nông đa dạng hóa sản phẩm cà-phê, tăng thu nhập cho người dân.
Ngành cà-phê Đắk Nông đang xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích tập hợp thành nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã để thực hiện liên kết sản xuất cà-phê hữu cơ, bền vững. Do đó, việc WASI triển khai mô hình sản xuất cà-phê hữu cơ, bền vững sẽ phù hợp xu hướng phát triển ngành hàng cà-phê của tỉnh.
Đắk Nông hiện có 140 nghìn ha cà-phê, sản lượng đạt 240.000 tấn/năm, đứng thứ ba khu vực Tây Nguyên. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu cà-phê đạt hơn 400 triệu USD, chiếm 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất cà-phê cũng đóng góp gần 35% vào GRDP của Đắk Nông, tạo việc làm cho hơn 105 nghìn lao động.
Thông tin với báo chí, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, những quy định nghiêm ngặt nhất theo tiêu chuẩn EU trong sản xuất nông nghiệp là không gây mất rừng, phải truy xuất được nguồn gốc, thân thiện môi trường và có trách nhiệm với xã hội. Đây là định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững nói chung, sản xuất cà phê nói riêng mà tỉnh Lâm Đồng đang hướng tới.
“Nguồn nước dành cho canh tác cà phê luôn được đảm bảo ổn định, quá trình chăm sóc cây cà phê tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học để canh tác bền vững và sản xuất có trách nhiệm với thiên nhiên. Chỉ cần làm 4 điều này là ngành cà phê đã thực hiện rất tốt vấn đề sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng. Tỉnh Lâm Đồng đã sẵn sàng đủ điều kiện thực hiện tốt và người nông dân đã ý thức tốt về sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng. Để thực hiện vấn đề này, tỉnh Lâm Đồng luôn gắn việc chuỗi giá trị toàn cầu, chứng minh canh tác, sản xuất cà phê không gây mất rừng, từ đó nâng cao tính cạnh tranh về chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phạm S khẳng định.
Lâm Đồng có hơn 170.000 ha cà phê, diện tích đứng thứ hai trong cả nước (sau tỉnh Đắk Lắk), với sản lượng bình quân đạt 600.000 tấn/năm. Cùng với Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đang phát triển nhiều vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng và TP Đà Lạt. Giá trị ngành hàng cà phê đang chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Giá nông sản hôm nay 11/3: Cà phê giữ ổn định, hồ tiêu điều chỉnh trái chiều |
Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD trong năm 2024 |
Người trồng tiêu, cà phê lãi lớn khi giá tăng vọt |