Phú Yên nằm trong vùng nguyên liệu mía Trung Trung Bộ với diện tích sản xuất mía cả tỉnh đạt hơn 25.000ha. Đồng thời, mía cũng là một trong ba cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích trồng mía phần lớn phụ thuộc vào nước trời nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, năng suất mía bình quân của tỉnh đạt thấp, khoảng 47,5 tấn/ha.
Phú Yên triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía đem lại năng suất cao
Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh cây mía tại xã Sơn Nguyên, Sơn Phước, với quy mô 1 ha/mô hình/điểm.
Kết quả năng suất mía bình quân đạt 100 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt 20,6 triệu đồng/ha, tăng 23,1 triệu đồng/ha so với phương thức sản xuất hiện nay tại địa phương canh tác mía theo phương thức truyền thống.
Thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Niên vụ mía 2018 - 2019 và 2019 - 2020, ruộng mía 1ha của ông Đoàn Đắc Miên ở thôn Nguyên An (xã Sơn Nguyên) được chọn triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mía theo công nghệ Israel, trồng giống mía KK3. Dây tưới nhỏ giọt được đặt trên mặt đất, giữa hai hàng mía với chiều dài 5,4km/ha, dùng để tưới nước bổ sung cho mía vào các giai đoạn khô hạn kéo dài từ tháng 3 - 8 hàng năm. Trong thời gian này, giai đoạn cần tưới là giai đoạn mía mọc mầm, đẻ nhánh, bắt đầu vươn lóng, đến hết thời kỳ vươn lóng.
Kết quả, cùng điều kiện canh tác, giống, phân bón như nhau, năng suất của mô hình đạt 103 tấn/ha, trong khi đó năng suất mía trồng đại trà theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 50 tấn/ha.
Mô hình đã góp phần nâng cao năng suất mía, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân
Ông Miên cho hay: “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mía, người trồng mía sáng vô gò mía khởi động máy bơm rồi đi làm chuyện khác, trưa tắt máy, còn tưới bằng péc phun hay máy hút nước xả ra ống thì phải có mặt để di dời. Cái hay của tưới nhỏ giọt là tưới được khu vực gò đồi, chỗ đất cao, cây mía xanh tươi. Còn tưới bằng máy hút nước xả ra ống tràn từ đám này qua đám khác, gặp chỗ gò cao nước không tràn qua được, mía sẽ khô héo”.
Cũng theo ông Miên, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mía thì người trồng mía không phải bưng thúng phân vãi ruộng mía mà chỉ cần hòa phân vào bồn chứa nước rồi nối vào hệ thống tưới nhỏ giọt là mía “ăn” phân. Còn trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, muốn vãi phân cho mía thì mọi người phải canh trời mưa. Gặp năm nắng hạn, mía “đói” phân, đỏ lá, héo úa.
Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa Alê Y Bớ, Sơn Hòa là huyện có diện tích mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh với trên 13.550ha, thế nhưng nông dân không chủ động nước tưới, “khoán trắng” cho trời nên có năm gặp nắng hạn năng suất mía thấp. Thời gian gần đây, nông dân đầu tư, tham gia trồng mía tưới nước nhỏ giọt, nâng năng suất lên 90 - 100 tấn/ha. Mô hình này góp phần nâng cao trình độ sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất thâm canh mía, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân.
Mai Quỳnh