OECD đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu theo 2 kịch bản
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố triển vọng kinh tế toàn cầu tương ứng với hai kịch bản: Một là dịch bệnh được kiểm soát; Hai là làn sóng Covid-19 lần thứ hai trong năm nay. Đồng thời, tổ chức này cho rằng không có quốc gia nào có thể mong đợi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ theo một trong hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm nay và tăng 5,2% trong năm tới.
Kịch bản thứ hai, trong trường hợp bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai vào cuối năm, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm tới 7,6% trong năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021 sẽ đạt từ 2,8%-5,2%.
OECD dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng âm 7% trong năm 2020 còn kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tăng trưởng âm 9%. Kinh tế Italia, Pháp và Anh có thể suy giảm tăng trưởng đến hơn 11%.
Theo OECD, chính phủ các nước đang đương đầu với thách thức chưa từng có tiền lệ, với việc đã chi ra hàng tỷ USD để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và hỗ trợ người lao động cho đến khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải cân bằng giữa việc hỗ trợ ngoại lệ này và không để tình trạng hỗ trợ này kéo dài trong thời gian quá dài.
Trong đánh giá mới nhất của mình về kinh tế thế giới, OECD cho rằng vào cuối năm 2021, phần thu nhập bị mất sẽ cao hơn tất cả các kỳ suy thoái kinh tế trong hơn 100 năm qua, gây hậu quả lâu dài và tiêu cực đối với người dân, các doanh nghiệp và chính phủ.
Một số nước sẽ chứng kiến nợ tư nhân ở mức đáng quan ngại và nguy cơ nhiều doanh nghiệp phá sản là rất lớn.
Cũng theo OECD, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, xét nghiệm, truy vết và cách ly những người nhiễm bệnh vẫn là những biện pháp chính trong ứng phó hiệu quả với đại dịch.
Tuy nhiên, những lĩnh vực bị ảnh hưởng các biện pháp đóng cửa biên giới, tránh tiếp xúc gần, trong đó có du lịch, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ sẽ không thể hồi phục như trước.
Đó là chưa kể các biện pháp này vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.
Do đó, các chính phủ cần phải điều chỉnh hỗ trợ, đồng hành cùng quá trình chuyển đổi, tạo điều kiện thúc đẩy các quy trình tái cấu trúc cho các doanh nghiệp.
WB dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức 5,2% trong năm nay
Ngoài ra, hợp tác toàn cầu trong việc tìm ra phương thức chữa trị và vaccine phòng bệnh COVID-19, cũng như nối lại đối thoại đa phương rộng hơn sẽ là chìa khóa tạo động lực khôi phục kinh tế.
Trong dự báo đưa ra tháng Ba vừa qua, khi dịch COVID-19 chỉ tác động tới Trung Quốc mà chưa ảnh hưởng tới các nền kinh tế lớn, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 0,5% xuống còn 2,4% - mức thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Như Thương hiệu & Sản phẩm đã đưa tin trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020.
Theo báo cáo, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc nhanh và lớn của dịch COVID-19 gây ra cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Điều này đồng nghĩa đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II với phần lớn các nền kinh tế đang phải trải qua sự sụt giảm sản lượng bình quân trên đầu người kể từ năm 1870.
Báo cáo của WB cũng dự báo hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng.
Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay, sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua.
Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và điều này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm nay.
Các quốc gia nơi mà đại dịch xảy ra nghiêm trọng nhất và những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, du lịch, xuất khẩu hàng hóa và tài chính bên ngoài sẽ bị tác động nặng nề nhất. Mặc dù mức độ gián đoạn sẽ khác nhau theo từng khu vực, tuy nhiên tất cả EMDE đều bị tổn thương và tổn thương này còn nghiêm trọng hơn do các cú sốc từ bên ngoài.
Minh Nhật