Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, rõ rệt nhất tại Trung Quốc trong mấy năm trở lại đây. Quốc gia này được xem là công xưởng lớn của thế giới. Chính sự lớn mạnh đó khiến các quốc gia bắt đầu lo ngại. Vì vậy, họ bắt đầu đa dạng hóa thị trường đầu tư để phân tán rủi ro. Dịch bệnh Covid-19 chỉ như “giọt nước tràn ly”. Sự căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Thông tin từ Phòng Thương mại Mỹ cho biết, 1/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc; 40% doanh nghiệp sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Dự kiến, đến các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.
Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sự dịch chuyển này không hề đơn giản do tốn kém và nhiều doanh nghiệp cho rằng, làm ăn ở quốc gia này vẫn ổn. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, các chính phủ đã có tác động cho sự dịch chuyển này. Tháng 4/2020, Nhật Bản dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế gần 1000 tỷ USD để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đồng thời, khởi động một chương trình trợ cấp trị giá 220 triệu USD hỗ trợ các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại các nước ASEAN. Tháng 5/2020, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh hỗ trợ các công ty Mỹ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Quốc hội Mỹ cũng dự thảo luật nhằm làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những động thái tương tự.
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đặt Việt Nam trước vận hội mới. Việc nắm bắt thời cơ để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết toàn cầu đang đặt Việt Nam trước áp lực cạnh tranh rất lớn trong cuộc đua tranh với các nước trong khu vực.
Thông tin từ Cục phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) kết nối hạn chế với doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng. DNVN chủ yếu tham gia vào các công đoạn giản đơn như gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, tính bền vững không cao. Chỉ 15% doanh nghiệp trong nước bán hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI, 8,4% xuất khẩu trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp. Thông tin từ JETRO, các công ty Nhật bản tại Việt Nam mua 32,4% hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ các nhà cung cấp Việt Nam. Tỷ lệ này thấp hơn con số 67,8% tại Trung Quốc, 57,1% tại Thái Lan và 40,5% tại Indonesia. Thực tế, Việt Nam có khoảng 20 công ty lắp ráp ô tô nhưng chỉ có khoảng 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và 3. Trong khi đó, Thái Lan có khoảng 16 công ty lắp ráp ô tô thì có tới 690 nhà cug cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.
Các doanh nghiệp Việt Nam kết nối hạn chế với doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng. Ảnh: Kim Thanh
USAID cũng cảnh báo, Việt Nam đứng trước 2 đối thủ cạnh tranh nặng ký trong làn sóng dịch chuyển này là Ấn Độ và Indonesia. Các nước này có các lợi thế thị trường rộng lớn và quy mô kinh tế lớn hơn Việt Nam. Họ có ưu thế mặt bằng nguồn nhân lực có trình độ cao. Mặt khác, họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thu hút, đón nhận các nhà đầu tư bằng việc giảm thuế, chuẩn bị quỹ đất… Trong khi đó, DNVN còn nhiều vướng mắc trong kết nối như năng lực chưa sẵn sàng và thường nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất.
Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Sự thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thể hiện rõ nhất ở việc, Apple bắt đầu chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quý 2/2020, sản xuất 4 triệu tai nghe tại Việt Nam. Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mỹ đã xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng. Panasonic sẽ chuyển nhà máy đến Hà Nội để thành trung tâm sản xuất máy giặt và máy lạnh lớn nhất tại Đông Nam Á.
Đứng trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sau Covid-19, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có những đổi mới để phù hợp tình hình mới. Đó là đặt luôn đề bài cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, nếu muốn được ưu đãi đặc biệt phải chuyển giao công nghệ và đưa DNVN tham gia chuỗi giá trị. Ông nhấn mạnh, nếu DNVN không chịu lớn, doanh nghiệp FDI sẽ chiếm thị trường ngay trên sân nhà và chiếm luôn thị trường xuất khẩu. Đây là con dao hai lưỡi. Chúng ta không thể đóng cửa thị trường khi đã hội nhập toàn cầu.
Để làm được điều này, phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị cũng như sự nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp.
Thiên Kim