![]() |
Thịt chua Thanh Sơn - Sản phẩm OCOP Phú Thọ, lan tỏa mạnh nhờ thương mại điện tử. |
Nâng chất OCOP Phú Thọ
Tính đến đầu năm 2022, tỉnh Phú Thọ có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh, trong đó có 48 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao và 30 sản phẩm hạng 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
Toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề truyền thống, 501 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động; trong đó, có 350 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 342 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất chè, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Đây là tiềm năng sẵn có để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP tạo nên những sản phẩm có giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường.
![]() |
Năm 2022 tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 56 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. |
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định trong an toàn thực phẩm và môi trường. Trong đó, một số sản phẩm của HTX, làng nghề, nghề truyền thống như: Mỳ gạo Hùng Lô, nếp gà gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, tương làng Bợ, bưởi Đoan Hùng, chè Hoài Trung, chè Phú Thịnh... đều đã đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP hạng 3 sao, 4 sao.
Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 56 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 124 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên. Phấn đấu có ít nhất 40% sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, hình thành chuỗi, có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả kinh tế, được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; hỗ trợ xây dựng thêm 1 - 2 điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tua, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh.
Đẩy mạnh kết nối qua thương mại điện tử
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như: Thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; triển khai xây dựng điểm, trung tâm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cấp huyện…
Hiện nay, phát triển thương mại điện tử được xem là xu thế tất yếu trong hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa. Tận dụng được các lợi thế của TMĐT, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng sẽ nắm bắt được những thông tin phong phú về thị trường, đối tác nhanh chóng, giảm chi phí tiếp thị, giao dịch, góp phần rút ngắn chu kỳ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
Cùng với sự phát triển về hạ tầng kỹ thuật số, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã chủ động đổi mới, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các ứng dụng của sàn TMĐT để tạo cửa hàng số, cập nhật các thông tin, hình ảnh, tài khoản, tạo sự thuận lợi cho quá trình trao đổi, tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP có thế mạnh của tỉnh.
![]() |
Phát triển thương mại điện tử được xem là xu thế tất yếu trong hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa. |
Bà Hà Thị Ngọc Điệp - Phó Giám đốc HTX Thịt chua Thanh Sơn cho biết: Bắt đầu từ năm 2020, chúng tôi đã đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội. Hơn hai năm áp dụng phương thức bán hàng hiện đại, lượng khách mua hàng qua phương thức này ngày càng tăng. Dự kiến năm nay, HTX sẽ bán ra gần 30.000 sản phẩm qua các sàn TMĐT, chiếm trên 20% tổng lượng hàng bán ra. Thời gian tới, HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến thông qua TMĐT để tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới.
Cũng theo bà Điệp: Đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, Sàn giao dịch TMĐT Giaothuong.net.vn đã có 282 gian hàng với 924 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và trên 5.300 lượt truy cập. Các sản phẩm được lựa chọn đưa lên Sàn hầu hết đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: Bưởi Đoan Hùng, cam lòng vàng, chè xanh, mì gạo Hùng Lô, gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, thịt chua, tương, nón lá... mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh đạt từ 350 - 400 doanh nghiệp tham gia.
Không chỉ các doanh nghiệp, HTX mà các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống người dân cũng đang dần thay đổi nhận thức, chủ động ứng dụng TMĐT gắn với chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Chị Trần Thùy Dung, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì cho biết: Sử dụng phương thức mua hàng trực tuyến qua các sàn TMĐT không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn có thể tìm hiểu được các thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi thực hiện giao dịch. Hơn nữa, phương thức thanh toán và giao hàng cũng được doanh nghiệp thực hiện linh hoạt nên rất thuận tiện.
Phú Thọ đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, mạng xã hội, các ứng dụng, website bán hàng, 50% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử và 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến...
Sở Công Thương tỉnh đã tích cực phối với với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo phát triển nguồn nhân lực để nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT cho toàn thể cộng đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể tham gia OCOP... xây dựng bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến, phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp; áp dụng các giải pháp công nghệ như tem điện tử, hóa đơn điện tử, công nghệ mã vạch, QR Code để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả.
Từ năm 2021, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã xây dựng năm bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến và hỗ trợ 18 doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP ứng dụng tem điện tử chống hàng giả; khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động TMĐT; chủ động xây dựng, triển khai mô hình trung tâm phân phối sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa sản xuất trong nước trên môi trường trực tuyến.
OCOP Phú Thọ đang phát huy những thế mạnh của địa phương với những sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Không chỉ hỗ trợ giới thiệu sản phẩm OCOP qua hình thức cửa hàng, gian hàng trưng bày, việc kết nối OCOP qua thương mại điện tử sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn./.