Kiên Giang: Kết hợp sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng Bắc Kạn: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá du lịch Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch |
Gắn kết OCOP với du lịch đã góp phần thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm. |
Mạnh tay đầu tư hỗ trợ
Đề án Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt ngày 13/8/2019. Tính đến nay, tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh có tổng số 87 sản phẩm (trong đó có 67 sản phẩm đạt 3 sao và 20 sản phẩm đạt 4 sao).
Từ năm 2018 đến 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn đạt trên 8,6 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Trung ương trên 8,5 tỷ đồng, vốn của các chủ thể tham gia chương trình 110 triệu đồng), riêng trong năm 2021 là trên 2,2 tỷ đồng để hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại sản phẩm…
Năm 2022, Lạng Sơn có 9/11 huyện, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 26 sản phẩm của 22 chủ thể tham gia trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả, 26 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, 3 sản phẩm đạt 4 sao, gồm hoa hồi khô và tinh dầu hồi đến từ huyện Chi Lăng và chè Ngọc Thúy đến từ huyện Đình Lập.
Từ đầu năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã trao giấy chứng nhận đạt chuẩn cho 26 sản phẩm OCOP. |
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tổ tư vấn giúp việc nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình. Thời gian qua, công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai chương trình OCOP được chú trọng, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP cũng được đẩy mạnh.
Gắn OCOP với du lịch sinh thái
Nhằm nâng tầm nông sản Lạng Sơn, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa. Tỉnh cũng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao gắn với Chương trình OCOP.
Việc phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa được cũng tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, Lạng Sơn cũng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái.
Theo đó, tại huyện Bắc Sơn đã hình thành một số điểm du lịch vườn quýt, thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan kết hợp mua và thưởng thức sản phẩm tại vườn mỗi vụ. Địa danh vườn quýt Hang Hú đã trở nên quen thuộc và nổi tiếng, thu hút du khách từ nhiều tỉnh, thành. Hay như từ việc phát triển các vườn na mẫu, từ năm 2016 đến nay, huyện Chi Lăng đã tạo ra gần 10 điểm du lịch nhà vườn vào mùa thu hoạch na.
Ngoài ra, các mô hình du lịch theo kiểu tham quan, trải nghiệm quá trình sản xuất nông sản hoặc làng nghề ngày càng được các gia đình lựa chọn và được đầu tư xã hội hóa với nhiều hình thức. Từ những lợi thế cũng như việc bám sát Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, các huyện, xã hoặc tổ chức kinh tế có cơ sở để lựa chọn, tìm hướng phát triển các sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP Lạng Sơn. |
Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn chia sẻ: Lạng Sơn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch, nhiều địa danh đã xuất hiện trên bản đồ du lịch như: Mẫu Sơn, thung lũng hoa Bắc Sơn, “thảo nguyên” Hữu Kiên… Đặc biệt, những năm qua, tỉnh đã quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, dần hình thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay chuyên nghiệp. Đây chính là cơ sở, tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch.
Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch của Lang Sơn hiện nay đã tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, “một mũi tên trúng hai đích”. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó việc quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.
Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh tiêu chuẩn hóa trên 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 40 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn./.