Trà Vinh tích cực hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP Quảng Ninh cần tiếp tục đi đầu về chất lượng các sản phẩm OCOP Thêm 60 sản phẩm OCOP Hải Dương được xếp hạng |
Những “trái ngọt đầu mùa”
Nằm ở tả ngạn Sông Hồng, thuộc trung tâm tam giác kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Từ vị trí chiến lược là cửa ngõ của Thủ đô và đặc trưng đất đai phù sa mầu mỡ, Hưng Yên có lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp với những nông sản thiết yếu như lúa, ngô,… và những đặc sản trứ danh như: gà Đông Tảo, nhãn lồng, mật ong, hạt sen,…
Xác định, OCOP sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông sản chủ lực, dịch vụ du lịch có lợi thế của địa phương; Ngay từ những ngày đầu triển thực hiện đề án OCOP, Hưng Yên đã đặt ra mục tiêu và giải pháp cụ thể nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực quản trị của các chủ thể (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất) tham gia, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Nhằm tập trung nguồn lực triển khai đề án, giai đoạn 2018 – 2020, ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp, Hưng Yên đã huy động trên 2.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ được lồng ghép từ các chương trình, dự án,... của các sở, ngành, địa phương và nguồn vốn tự lực của các chủ thể sản xuất để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư máy, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển các sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên 2020 |
Đến nay, đã có 9 huyện, thị, thành phố với 53 chủ thể lập hồ sơ đăng ký 78 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; Qua đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng, công nhận được 52 sản phẩm cho 25 chủ thể, gồm: 14 sản phẩm đạt 4 sao; 37 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao được đề xuất lên Trung ương để đánh giá, xếp hạng. Trong đó, nhiều địa phương có sản phẩm đạt 4 sao như: huyện Khoái Châu 5 sản phẩm (Nanocurcumin, Tinh bột nghệ, Bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên; Nhãn quả tươi của HTX Nhãn Miền Thiết; Thịt gà Đông Tảo của HTX Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo), thị xã Mỹ Hào 3 sản phẩm (Giấm nhãn, Xà bông nghệ Handmade, Nước súc miệng bạc hà của Công ty Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên), huyện Phù Cừ 2 sản phẩm (Vải trứng Hưng Yên của HTX Nông nghiệp Quyết Tiến, Vải lai chín sớm Phù Cừ của HTX Nông nghiệp Thắng Lợi),…
Sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP đều có bước tiến lớn về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các chủ thể tham gia, nhất là khối các HTX đã từng bước được củng cố, phát triển, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường; từng bước hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều địa phương đã song hành cùng các chủ thể sản xuất tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ với trên 30 chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ OCOP,... nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên tại các sự kiện trong tỉnh và khu vực, như: TP.Hà Nội, Quảng Ninh, Vinh,... qua đó đã nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, một số sản phẩm đã được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như: Nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường Mỹ; bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên sang Nhật Bản, Trung Đông, Trung Quốc,...
Tập trung vào các dòng sản phẩm, dịch vụ chủ lực
Ông Bùi Văn Phương, Giám đốc HTX Sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát, một trong những chủ thể tích cực tham gia và ghi nhiều dấu ấn trong triển khai thực hiện OCOP của Hưng Yên cho biết: Thời gian qua, HTX thường xuyên nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền địa phương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc về vốn, đất đai để phát triển hệ thống nhà lưới và tiếp cận các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất dưa lưới và các loại nông sản khác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chuẩn quy trình VietGAP.
Tuy nhiên, để tạo sức hút trong đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiên đại, chuyên sâu, có quy mô lớn; nhà nước cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn, giúp các chủ thể có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận các nguồn lực phục vụ sản xuất, tiếp cận thị trường (tín dụng, đất đai, kỹ thuật, xúc tiến truyền thông – thương mại, …), qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, yên tâm lao động, đầu tư, sản xuất.
Ứng dụng CNC trồng dưa lưới, dưa vàng tại HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát |
Chia sẻ với PV Thương hiệu & Sản phẩm về các giải pháp đẩy mạnh triển khai đề án OCOP của Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, ông Lê Văn Thắng, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh: Qua hơn 2 năm thực hiện, dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng chương trình bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, thổi luồng sinh khí mới thúc đẩy Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại Hưng Yên hướng vào nâng cao toàn diện chất lượng đời sống kinh tế khu vực nông thôn. Năm 2020, nông nghiệp – nông thôn Hưng Yên đạt dấu mốc quan trọng, là tỉnh thứ 3 trong cả nước về đích Nông thôn mới (NTM).
Nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 Hưng Yên sẽ tập trung hỗ trợ phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Xây dựng, quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh (vải trứng Hưng Yên, vải lai chín sớm Phù Cừ, cam Văn Giang, cam Phù Cừ, mộc mỹ nghệ Hòa Phong, bưởi Khoái Châu,...) để phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP trên thị trường.
Đẩy mạnh hướng dẫn các chủ thể sản xuất, kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Rà soát, lựa chọn các chủ thể giầu tiềm năng để hỗ trợ đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt quan tâm tới các sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch nông trại.
Khuyến khích các chủ thể ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), tiêu chuẩn quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh (SSOP), tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), quy trình quản lý chất lượng (ISO),..