![]() |
Ông Dân được ví là người giải cứu ruộng hoang, một trong những người tiên phong tích tụ ruộng đất làm nông quy mô lớn. |
Đi cày thuê rồi thuê lại khi nông dân bỏ ruộng
Tỷ phú nông dân Đỗ Văn Dân không ai ở Kiến Xương (Thái Bình) là không biết. Làm nông nghiệp như ông nông dân này khiến các doanh nhân cũng ngả mũ. Ông cũng là người truyền lửa cho phong trào phát triển nông nghiệp đại điền ở quê lúa Thái Bình. Ông hiện đang là chủ tịch câu lạc bộ đại điền tỉnh Thái Bình - một thế hệ nông dân mới trên đồng ruộng.
Con đường đưa ông tới tư duy làm ăn lớn trong nông nghiệp rồi thành tỷ phú cũng từ yêu đồng yêu ruộng. Ruộng nhà chật hẹp ông vẫn mua sắm máy móc rồi đi làm thuê. Ông cho kể: Có lẽ tôi là người mạnh dạn đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp sớm nhất ở vùng đất này. Từ năm 2007 tôi đã có máy làm đất, máy gặt, chuyên đi cày bừa và gặt thuê cho bà con.
![]() |
Những nông dân đại điền ở Thái Bình canh tác đồng ruộng bằng cơ giới hóa. |
Thế rồi ông đã nhận ra thời cơ khi nông dân chán ruộng. Đó là những năm năm 2016 người dân bắt đầu bỏ ruộng trên chính những diện tích ông vẫn hay đi làm thuê cho họ. Đứng trước nguy cơ thất nghiệp ông nghĩ phải tận dụng lợi thế về máy móc rồi đi hỏi mượn, thuê ruộng lại của người dân với quyết tâm không bỏ phí bất cứ “tấc đất nào” với mong muốn biến nó thành “tấc vàng”. Hành trình sản xuất nông nghiệp đại điền của ông Dân bắt đầu từ năm 2017.
Cứ gom góp dần, càng ngày người ta bỏ ruộng càng nhiều. Diện tích ruộng của ông tăng lên từ 11 mẫu lên gần 30 mẫu ruộng. Có diện tích ruộng đại điền ông bắt đầu nảy ra các sáng kiến để bắt đất đẻ ra tiền. Ông mạnh tay đầu tư mua máy móc hiện đại để đáp ứng quy trình khép kín từ khâu cấy đến thu hoạch và sấy sản phẩm.
Vượt khỏi lũy tre làng mỗi năm lãi 4 tỷ đồng từ trồng lúa
Dù có vài chục mẫu ruộng, nhưng ông Dân vẫn thấy nhỏ hẹp. Mà ở quê ông có thuê thêm cũng chỉ manh mún lẻ tẻ. Vậy là ông nảy ra ý nghĩ vươn ra các tỉnh khác. Cứ nơi nào có điều kiện là ông liên kết với nông dân ở đó. Ông đầu tư giống, phân bón và đến vụ thì thu mua sản phẩm, miễn sao có nhiều thóc. Phạm vi liên kết của ông trải rộng tại 3 tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam.
Hiện tại, mỗi vụ ông liên kết sản xuất 160ha lúa ở trong và ngoài tỉnh thu về hơn 950 tấn thóc, đem lại thu nhập bình quân 4 tỷ đồng/năm. Ngoài ra với tư cách là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại điền ông còn phát triển hội viên, tổ chức gặp gỡ giao lưu giữa các hội viên để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, cùng nhau làm giàu từ nông nghiệp".
Từ chỗ tay trắng đi làm thuê, vì mê ruộng, ông Dân còn được người Thái Bình ví là người đi giải cứu ruộng hoang. Từ những thửa ruộng manh mún người dân chán nản vì thu chẳng được bao nhiêu đã được ông Dân gom lại biến thành những cánh đồng mẫu lớn.
Để có giống tốt, ông còn lần mò vào tận Sóc Trăng để tìm mua giống lúa ST25 cho ra loại gạo ngon nhất thế giới trồng thử nghiệm. Kết quả, cả 2 vụ giống lúa này đều cho năng suất khá, chịu sâu bệnh tốt và thích nghi được với khí hậu miền Bắc. Rồi ông mở rộng diện tích gieo cấy lại lúa này theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp. Nhờ hiện đại hóa và canh tác trên “cánh đồng mẫu lớn”, mỗi năm thu nhập từ làm ruộng mang lại cho ông Dân khoảng 4 tỷ đồng.
![]() |
Sở hữu 30 mẫu ruộng cấy lúa chất lượng cao, ông Dân còn liên kết với nông dân ở nhiều địa phương để phát huy lợi thế nông nghiệp. |
Nhận định về tư duy sản xuất nông nghiệp đại điền ở Thái bình mà một trong những người khởi xướng là ông Đỗ Văn Dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ông Đinh Vĩnh Thụy cho biết: Trong vài năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển mới theo hướng tích cực, phù hợp với xu thế hiện nay.
Số lượng đại điền trên địa bàn tỉnh tăng lên rất nhanh trong thời gian qua. Tháng 10/2022 có khoảng 1.700 đại điền; đầu năm 2023 tăng lên gần 2.000 đại điền và hiện nay là hơn 2.600 đại điền.
Các đại điền chính là lớp người nông dân mới góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp theo nhu cầu của thị trường./.