Nuôi biển chỉ nói về nuôi cá, nuôi tôm, nuôi mực… thì không phải. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Với mong muốn đưa nuôi biển Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới, các tham luận tại hội nghị tập trung đánh giá về thực trạng nuôi biển tại Việt Nam cũng như trên thế giới hướng đến mục tiêu phát triển ngành thủy sản Xanh nói chung và ngành hàng nuôi biển bền vững nói riêng.
Thống nhất cao với nhận định, nuôi biển là xu thế tất yếu, chiến lược phát triển phát huy lợi thế của quốc gia, các đại biểu cho rằng, Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đối tượng nuôi phong phú, từ các loài cá, rong, nhuyễn thể đa dạng, chất lượng gắn với các vùng sinh thái và kinh nghiệm nuôi biển nhiều đời, nếu có chiến lược, giải pháp khơi thông tiềm lực, nuôi biển sẽ là ngành hàng có giá trị kinh tế lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ cấp phép nuôi biển cho cơ sở đạt điều kiện
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá.
Nhấn mạnh vai trò nuôi biển đóng góp vào kinh tế biển nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Quảng Ninh sẽ phát triển để sớm trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế toàn diện bằng các giải pháp tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, khoa học, dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng biển đảo, vùng ven biển hài hòa lợi ích, giảm xung đột, phát triển bền vững. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển.
“Trên cơ sở quy định các văn bản quy phạm pháp luật, tích hợp giải quyết các nhiệm vụ trong cùng 1 thời gian, với cách làm này vừa qua địa phương giảm được hơn 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Quảng Ninh mong muốn tổ chức phát triển nuôi biển một cách bền vững, nuôi biển gắn với phát triển công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, đồng thời xác định rõ trọng tâm trong phát triển nuôi biển bền vững là vai trò của các doanh nghiệp và hợp tác xã, từ nơi đó là tạo ra các chuỗi giá trị” - ông Nguyễn Xuân Ký nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, để giảm cường độ khai thác, cần tăng nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, để quản lý nuôi biển bền vững, chỉ cấp phép nuôi biển cho cơ sở đạt điều kiện; quy định hạn mức sản lượng cho từng cơ sở dựa trên điều kiện môi trường và tình hình thị trường.
"Phân bố định mức công khai, minh bạch trong cộng đồng, bắt buộc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có cơ chế đồng quản lý kiểm soát hoạt động nuôi biển áp dụng công nghệ bản đồ số tự cập nhật... là những vấn đề cần thực hiện nghiêm ngặt để quản lý nuôi biển bền vững"- ông Dũng nói.
Giảm khai thác, tăng nuôi trồng là trụ cột của Chiến lược phát triển thủy sản
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. |
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản là một trong những trụ cột của Chiến lược phát triển thủy sản. Nuôi biển chính là nuôi dưỡng đại dương, nuôi biển không chỉ là phát triển kinh tế mà còn giải quyết vấn đề của xã hội, hài hòa lợi ích của người dân, trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân, qua đó tạo ra sự giàu có của đại dương.
"Nếu nuôi biển chỉ nói về nuôi cá, nuôi tôm, nuôi mực… thì không phải. Nuôi biển là nuôi hệ sinh thái biển, nuôi giá trị biển, kể cả giá trị hữu hình và vô hình từ biển" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - CEO STP Group cho biết: Việc nuôi đa tầng kết hợp giữa rong và hàu đang mang lại giá trị lớn cho ngành nuôi biển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp.
"Nuôi kết hợp rong và hàu là 2 loài nuôi có tác dụng bổ trợ nhau cùng tăng trưởng. Đặc biệt, khi kết hợp 2 loài thì khả năng làm sạch nước được cải thiện lớn hơn khi có 1 loài tham gia" - bà Bình tâm sự.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỉ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững...
"Phía trước chúng ta là hải trình hướng đến mục tiêu vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập, vì thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau. Phía trước chúng ta là ba trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Đồng thời, phát huy sức mạnh của thiết chế cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, một thiết chế phát huy sức mạnh của cộng đồng và cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất" - ông Hoan nhấn mạnh.
"Chúng ta giống như những hòn đảo giữa biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu. Chúng ta cùng nhau kết nối thành hệ sinh thái vì ngành thủy sản Việt Nam bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.