Sầu riêng Ri6 của Việt Nam tiếp tục "cháy hàng" tại Australia Hơn 80.000 tấn sầu riêng và bơ của tỉnh Đắk Lắk ‘bí’ đầu ra Nhật Bản siết kiểm tra đối với sầu riêng Việt Nam |
Phần lớn sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch |
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 809.000 tấn sầu riêng, trị giá 4,13 tỷ USD, phần lớn sầu riêng được nhập khẩu từ Thái Lan. Tính từ năm 2010 đến nay, mức độ tiêu thụ sầu riêng của thị trường Trung Quốc mỗi năm tăng rất cao, trung bình tăng khoảng hơn 16%.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch. Sản phẩm sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là sầu riêng dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông.
Được biết, do dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam vào thị trường này. Trước đó, cơ quan chức năng hai bên đã đi đến những bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán cũng như chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch loại nông sản này. Tuy nhiên, mọi việc phải đình lại do dịch Covid-19.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch, yêu cầu các sản phẩm trái cây phải được sản xuất theo đúng quy trình, sản xuất tại vùng trồng và được đóng gói tại cơ sở do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Các địa phương, các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch chuẩn bị cho việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc |
Thị trường Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính như những năm trước, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, từ mã số vùng trồng đến mã số cơ sở đóng gói, việc thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, giao dịch xuất khẩu và cách thức, quan điểm tiếp cận thị trường, từng bước chính quy hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh trái cây nói chung và trái sầu riêng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, các Bộ, ban ngành liên quan đang phối hợp với phía Trung Quốc để triển khai, hoàn thành các thủ tục cần thiết cho việc xuất khẩu mặt hàng sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, để đón đầu cơ hội xuất khẩu, các địa phương cần xúc tiến đàm phán, xây dựng hồ sơ đề nghị phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng.
Tại địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có hơn 3.000ha diện tích sầu riêng. Nhiều doanh nghiệp trồng sầu riêng tại Bình Phức đã sớm nhận thấy tiềm năng cho việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc và đã sớm tư duy, thay đổi chuỗi sản xuất. Nhờ đó, tỉnh Bình Phước đã vạch ra lộ trình xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc đối với loại trái cây này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng để chuẩn bị và đảm bảo cho việc xuất khẩu đi Trung Quốc dễ dàng.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, nông dân đã chuẩn bị mọi điều kiện, bao gồm, chất lượng sản phẩm, liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tiêu chuẩn cho sản phẩm sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài ra, các Bộ, ban ngành cũng đang hỗ trợ người dân xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng sầu riêng VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc sẽ là những yếu tố quan trọng đảm bảo rằng sầu riêng của địa phương mình chắc chắn sẽ được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.