Đầy bụng chẳng còn là nỗi lo khi biết những mẹo sau Giải pháp giảm đầy hơi từ thực phẩm thiên nhiên Những thực phẩm có thể gây đầy hơi, chướng bụng? |
Đầy hơi, chướng bụng hay khó tiêu có thể là kết quả của các quá trình bình thường của cơ thể nhưng nhiều khi cũng do các vấn đề ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Khó tiêu là tình trạng cảm thấy đau hoặc khó chịu ở phần trên của bụng, các triệu chứng thường gặp bao gồm đầy bụng, đầy hơi, nóng rát, ợ hơi, buồn nôn, đau bụng.
Trước hết khi bị đầy hơi kéo dài không rõ nguyên nhân bạn nên đi khám chuyên khoa, để bác sĩ thăm khám trực tiếp, xác định nguyên nhân gây đầy hơi và có cách điều trị phù hợp.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng có liên quan trực tiếp đến tình trạng đầy hơi. Khi bị đầy hơi cần có cách ăn uống khoa học, dưới đây là những thực phẩm người bị đầy hơi không nên ăn:
Thức ăn chứa nhiều muối
Thực phẩm nhiều natri sẽ hiến bạn dễ bị đầy hơi, do đó nếu bạn ăn mặn hoặc ăn quá nhiều thực phẩm chứa muối sẽ khiến tình trạng đầy hơi tăng thêm.
Các sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa là nhóm thực phẩm khó tiêu hóa do chứa đường lactose. Người không dung nạp được lactose dễ đầy hơi, chướng bụng, nguy cơ tiêu chảy, đau bụng nếu ăn quá nhiều một lúc. Trường hợp bị khó tiêu nên ăn sữa chua hoặc các sản phẩm từ sữa không chứa lactose.
Các loại đậu
Các loại đậu rất giàu chất xơ nhưng carbohydrate phức tạp trong đậu được gọi là oligosaccharides, đặc biệt nhất là loại raffinose rất khó tiêu hóa. Những loại đường chuỗi dài này không thể bị phân hủy dễ dàng. Chúng được tiêu hóa bởi các vi sinh vật trong ruột và tạo ra khí mê-tan.
Khi các carbohydrate phức tạp đến ruột dưới, vi khuẩn sẽ ăn chúng và tạo ra khí. Do vậy, ăn nhiều các loại đậu dễ dẫn đến đầy hơi.
Bạn nên ngâm đậu trước khi nấu có thể loại bỏ một lượng raffinose đáng kể mà không làm thay đổi giá trị dinh dưỡng của đậu.
Đồ cay
Niêm mạc đường tiêu hóa có thể bị kích ứng, tổn thương nếu bạn thường xuyên ăn các món cay được tẩm ướp nhiều tiêu, ớt, mù tạt hay sa tế. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng chúng thì tình trạng đầy bụng, khó tiêu sẽ khó lòng mà khỏi được.
Thực phẩm chiên xào
Nhóm thực phẩm này cần tránh ăn nếu bạn đang bị đầy hơi, bởi những thực phẩm chiên xào có chứa hàm lượng chất béo cao, gây khó tiêu hóa, thời gian hấp thụ chậm hơn, do đó hình thành khí, tăng cảm giác khó chịu ở bụng.
Thực phẩm có tính axit
Sốt cà chua, nước có gas, trái cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi... có tính axit, làm kích ứng niêm mạc dạ dày gây đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày, viêm dạ dày, xuất huyết dạ dày. Thay thế nước có gas bằng nước lọc hoặc nước điện giải, trái cây chứa axit bằng các loại quả tốt cho tiêu hóa bao gồm chuối, dưa hấu, dưa lưới, đu đủ, bơ...
Nấm
Nấm chứa các loại đường khó tiêu, đặc biệt nhất là loại đường mannitol, được tìm thấy ở các loại nấm trắng thông thường. Mannitol được hấp thu kém ở ruột non.
Tuy nhiên, những loại khác như nấm sò (Pleurotus ostreatus) có chứa trehalose, thường chỉ gây ra vấn đề đối với người thiếu một loại enzyme tiêu hóa cụ thể gọi là trehalase. Nếu bị đầy hơi sau khi ăn nấm, có thể thử loại khác như nấm hương có thể sẽ có cải thiện.
Rau sống, thịt cá chưa được nấu chín
Salat, nộm, sushi, gỏi cá, thịt tái… Những món ăn này hẳn là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên chúng lại không được khuyến khích sử dụng khi bạn đang bị đầy bụng, khó tiêu.
Do chưa được nấu chín, chúng rất khó tiêu và có thể mang theo nhiều vi khuẩn gây bệnh vào đường ruột. Vì vậy ngay cả khi khỏe mạnh bình thường bạn cũng nên cân nhắc khi dùng các món này.
Thực phẩm giàu chất béo
Người bị khó tiêu nên ăn các món ít béo, chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, giúp giảm áp lực lên dạ dày. Thực phẩm giàu chất béo như thịt đỏ, kem, bơ làm từ sữa động vật... kích thích các cơn co thắt dạ dày, gây tiêu chảy hoặc làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, dẫn đến táo bón.
Thực phẩm chế biến sẵn
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn vì chúng thiếu chất xơ có tác dụng điều hòa nhu động ruột. Xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói, mì ăn liền, trái cây sấy khô... thường chứa chất bảo quản và màu nhân tạo. Chúng có thể gây hại đường tiêu hóa, làm tăng cảm giác khó tiêu, đau bụng.
Caffeine
Caffeine kích thích sự vận động của nhu động ruột giúp xử lý thức ăn nhanh. Người bị khó tiêu hoặc gặp vấn đề tiêu hóa uống nhiều cà phê có khả năng bị tiêu chảy. Hạn chế cà phê, chocolate, trà, soda cho đến khi đường tiêu hóa ổn định vì chúng chứa nhiều caffeine.
Chất làm ngọt nhân tạo
Chất làm ngọt nhân tạo là chất thay thế đường thường được sử dụng trong nhiều thực phẩm và đồ uống. Ví dụ như sorbitol và mannitol có trong kẹo, kẹo cao su và thức ăn ngọt không đường. Đây là những loại rượu đường được thêm vào thực phẩm và đồ uống để làm cho chúng ngọt hơn.
Một số người bị tiêu chảy, đầy hơi hoặc cả hai khi họ tiêu thụ những chất này. Nguyên nhân là các loại đường chuỗi dài này cần được phân hủy ở gan để chuyển hóa thành glucose, nguồn năng lượng chính của cơ thể. Nhưng quá trình này rất khó khăn và để lại nhiều đường lên men trong ruột kết. Vì vậy, nếu thường xuyên bị đầy hơi, nên cắt giảm những thực phẩm này.
Rượu bia
Đồ uống có cồn kích thích niêm mạc dạ dày, tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất của gan. Uống nhiều rượu bia dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày và nhiều vấn đề sức khỏe khác.