Gạo nếp cẩm, thức quà dẻo thơm với nhiều lợi ích cho sức khỏe Xôi là món ngon bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng nên ăn Thứ rau mọc dại mịn như nhung vào mùa, đem đồ xôi chỉ nhìn thôi cũng thèm |
Gạo nếp chứa lượng lớn protein, axit amin, chất béo, đường, canxi và các khoáng chất khác (sắt, phospho...), cũng như các nguyên tố vi lượng như vitamin B (B1, B2, B3-niacin) và tinh bột.
Dù gạo nếp và các món từ gạo nếp như cơm nếp và xôi có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không phải ai ăn nhiều cũng tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những nhóm người "đại kỵ" với gạo nếp.
Người thừa cân, béo phì
Trong 100g gạo nếp có 344 kcal. Do đặc tính dẻo, dính nên ăn đồ nếp nói chung, năng lượng nạp vào cao hơn khi ăn cùng số lượng tương đương với cơm tẻ. Chính vì vậy, ăn nhiều cơm nếp khiến nhiều người bị tăng cân nhanh chóng.
Chưa kể ăn xôi cùng thịt, chả, trứng kho... có thể chứa calo nhiều hơn nữa. Vì vậy, thường xuyên ăn xôi dễ gây thừa cân, béo phì.
Do xôi nhiều năng lượng, bạn chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa, khi cơ thể còn nhiều hoạt động khác để tiêu hao năng lượng, tránh ăn vào buổi tối. Nếu bạn đang cố gắng giảm cân, tốt nhất nên hạn chế ăn xôi.
Người có vết thương bị mưng mủ
Những vết thương hở, đặc biệt khi bị viêm sẽ rất lâu lành. Nếu ăn thức ăn dẻo, khó tiêu, nóng như xôi và các thức ăn từ gạo nếp khác sẽ càng làm tình trạng nặng thêm có thể gây mưng mủ.
Những người mới phẫu thuật, người có những chỗ bị sưng viêm nên kỵ đồ nếp nếu không sẽ gây mưng mủ. Vậy nên tránh ăn đồ nếp, khi vết thương lành có thể ăn uống bình thường.
Bệnh nhân tiểu đường
Gạo nếp sau khi vào dạ dày sẽ nhanh chóng được hấp thụ và chất chứa trong đó là tinh bột. Nếu người bệnh tiểu đường ăn quá nhiều thì đường huyết sau bữa ăn sẽ tăng nhanh trong thời gian ngắn và không thể kiểm soát được.
Người bị đau dạ dày
Gạo nếp, các loại đậu, lạc tuy lành tính nhưng nó có thể gây ra tình trạng đầy bụng, ợ chua, khó chịu. Bởi khi bị bệnh dạ dày, lượng enzyme tiêu hóa cũng như axit dạ dày không ổn định sẽ gây cản trở cho quá trình tiêu hóa thực phẩm giàu tinh bột như gạo nếp và sinh ra tình trạng khó tiêu.
Bên cạnh đó, các nguyên liệu khác của xôi như hành, tỏi, tiêu... cũng sẽ khiến người bị bệnh dạ dày không được thoải mái. Do đó, khi đã bị bệnh dạ dày, bạn nên hạn chế ăn các món làm từ gạo nếp như xôi.
Người mới ốm dậy
Gạo nếp có thành phần tinh bột dạng amylopectin, tính dẻo dính nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu vì vậy người già, trẻ em (trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn), người bệnh mới ốm dậy tiêu hóa kém cần thận trọng khi dùng.
Sau khi khỏi bệnh nặng, cơ thể tương đối yếu, lúc này cần ăn nhiều thức ăn lỏng bổ dưỡng để dạ dày từ từ phục hồi, nếu ăn nhiều thức ăn làm từ gạo nếp thì gánh nặng cho cơ thể, khó tiêu hóa và khiến cơ thể suy nhược hơn.
Phụ nữ mang bầu
Theo Y học cổ truyền, gạo nếp có vị ngọt, tính ấm vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế. Gạo nếp nói chung và các món xôi thường được dùng để chữa các chứng hư lao, tiêu chảy, thiểu năng tuần hoàn não ở phụ nữ có thai.
Tuy vậy, các bà bầu chỉ nên ăn xôi nếp với một lượng vừa phải. Mặc dù xôi nếp sẽ giúp bà bầu chống được lợm giọng và cảm giác buồn nôn khi thai nghén nhưng lại có hàm lượng tinh bột cao. Do đó, bà bầu ăn gạo nếp nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường lúc thai kỳ.
Nước vối - Giải khát thanh mát, tốt cho sức khỏe |
Cây đuôi chuột - Loại cây cảnh tốt cho sức khỏe |
Những trái cây tốt cho người tiểu đường |