Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang khó cạnh tranh ở thị trường Mỹ Loài cá từng bị chê, không mấy người ăn trở thành đặc sản có giá 300.000/kg Giá cá khoai tăng cao |
"Đại công trường" với đủ loại cá khô đặc sản |
Là nơi đầu nguồn sông nước, chuyện làm khô cá để dành ăn và làm quà biếu cho họ hàng hay bạn bè ở xa là chuyện hàng ngày, dần dà món quà thơm thảo ấy được lòng khách phương xa. Từ đó, nghề khô của vùng sông nước An Phú hình thành như 1 lẽ tự nhiên. Lần hồi cái mặn mồi của thiên nhiên, vị ngọt thơm từ nguyên liệu cá đồng tươi đã tạo nên danh tiếng cho khô sặc rằn An Phú, biến nơi đây là nơi đặc sản khô của An Giang.
Ở An Phú, miền tây sông nước, cư dân khai thác, đánh bắt thủy sản suốt tháng, nên đặc sản khô cá các loại cũng có mặt trên thị trường quanh năm. Để sản phẩm được người tiêu dùng vừa ý, ưa chuộng, đòi hỏi kỹ thuật làm khô phải giữ được mùi vị thơm ngon và độ khô vừa phải, thịt khô phải chắc, trong.
Ngoài ra, khi chọn nhiên liệu, người làm khô phải có kinh nghiệm từ khâu chọn cá. Rồi tùy vào loại cá lớn hay nhỏ, thớ thịt dày hay mỏng để tẩm ướp phù hợp, cũng như mang phơi ít nắng hay nhiều nắng. Thế mới nói, để làm ra những mẻ khô thơm ngon, đảm bảo chất lượng cũng là 1 kỳ công, đòi hỏi người làm nghề phải thật yêu nghề, luôn sáng tạo không ngừng và nhất là luôn giữ uy tín thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Cả làng tất bật như một "đại công trường" với đủ loại cá khô đặc sản |
Theo du khách thì khô An Phú, An Giang được tiếng thơm ngon nhờ vị mặn của muối, vị ngọt của cá tươi, vị thơm của nắng gió biên thùy. Còn đối với người dân vùng sông nước An Phú rất tự tin về sản phẩm khô của mình, bởi cách làm truyền thống, chỉ ướp cá với muối rồi đem phơi khô với ánh nắng mặt trời, hoàn toàn không tẩm ướp hóa chất.
Những mẻ cá ăn nắng, thịt cá ửng hồng tạo nên hương vị riêng cho khô An Phú. Ở xứ khô này, thế mạnh chủ lực không chỉ có các loại khô cá sặc rằn, cá bông, cá lóc,... mà xứ khô An Phú còn nổi tiếng bởi nhiều loại khô cá đồng đặc sản như: Cá chèn 1 nắng, cá chạch rút xương, cá chạch 1 nắng, cá tra phồng, cá lăng, cá chốt, cá nhái,... đó là những hương vị riêng đã làm nên nhịp sống sôi động của làng khô An Phú nơi đây.
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, nghề làm khô cá ở An Phú, không chỉ góp phần đa dạng hóa vào các mặt hàng vùng sông nước. Là sản phẩm mang hương vị truyền thống độc đáo, theo thời gian, sản phẩm khô cá An Phú nay trở nên hiện đại với mẫu mã bao bì chuyên nghiệp, qua đó cho thấy, người An Phú vừa chịu thương, chịu khó gầy dựng nên nghề vừa giúp nghề bước sang trang mới giữ lấy tiếng thơm của thương hiệu.
Các loại cá làm khô chủ yếu là cá chạch, lìm kìm, lăng, leo, trèn, lóc… Tất cả các loại cá này do ngư dân đánh bắt ở cánh đồng nước lũ giáp Campuchia, hoặc mua lại của ngư dân khác để làm khô.
Chị Nguyễn Thị Út, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, An Giang, phơi cá lăng vừa được ướp gia vị |
Xã Vĩnh Hội Đông - nơi được mệnh danh là "xứ sở khô cá đồng" của huyện An Phú, tỉnh An Giang - nhiều người dân đang tất bật làm cá, phơi khô dọc cả tuyến đường liên xã.
Cả tuyến đường ven sông Hậu từ xã Vĩnh Hội Đông đến ngã ba thị trấn An Phú gần 1,5km đâu đâu cũng gặp cá phơi khô. Trong nhà nhiều người đang loay hoay làm cá xẻ khô, bên ngoài đường nhiều chị em khác lại đang phơi khô cho kịp nắng.
Men theo sông Hậu, chúng tôi chạy ngược về hướng xã Phú Hội, Nhơn Hội, Khánh Bình và thị trấn Long Bình, huyện An Phú cũng gặp toàn cảnh người dân tất bật mua bán cá, làm khô để bán Tết.
Chị Yến (ngụ xã Nhơn Hội) cho hay mấy ngày qua, vợ chồng chị đi chài "trúng mánh" với cá lăng. Riêng hôm nay, chị đã bán gần 15kg, chưa kể các loại cá khác như mè vinh, cá linh, cá rô, cá dảnh…
"Hôm nay may mắn được nhiều cá, đầu mùa lũ đến nay, hôm nay là ngày tôi chài được cá lăng nhiều nhất. Tôi bán cho thương lái với giá 100.000 đồng/kg loại lớn, loại nhỏ bán cho người dân ở xóm giá 40.000 đồng/kg. Còn các loại cá khác bán 20.000 - 30.000 đồng/kg. Mùa này nước lũ đang rút nên bà con phấn khởi lắm vì làm câu lưới trúng mùa", chị Yến khoe.
Còn chị Nguyễn Thị Út (ngụ xã Nhơn Hội) cho biết gia đình chị đang làm khô các loại cá lăng, cá lóc, cá lìm kìm và khô rắn để bán cho khách hàng ở TP Châu Đốc với giá 350.000 đồng/kg.
"Đối với cá lăng thì mới có vài ngày nay, cứ 3kg cá tươi sẽ cho ra 1kg khô. Cá lăng được tôi mua 80.000 đồng/kg của ngư dân, sau đó ướp thêm gia vị và phơi nắng rồi bán cho khách. Tôi không có đất ruộng, nên vào mùa lũ là vợ chồng tôi lo mua cá làm khô để kiếm thêm thu nhập", chị Út vui vẻ nói.
Nói về câu chuyện đánh bắt cá mùa nước nổi, ông Trần Anh Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang - khẳng định: "Năm nay, nước lũ lớn nên người dân An Giang làm nghề đánh bắt thủy sản rất thuận lợi. Theo khảo sát của chúng tôi, có nhiều loại cá tưởng đã không còn nhưng mùa lũ năm nay đã xuất hiện. Từ giữa tháng 9 âm lịch đến cuối năm là thời điểm mùa cá ra - cũng là mùa đánh bắt thủy sản cao điểm của ngư dân. Do đó, mùa này nông dân đang tranh thủ đánh bắt cá làm khô, mắm".