Tác hại của hóa chất 6-Benzylaminopurine đối với sức khỏe Các bài tập hỗ trợ bệnh tiểu đường dịp Tết Giữ nhịp sinh học trong ngày Tết |
Gout là một dạng viêm khớp xảy ra do nồng độ axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến sự hình thành và lắng đọng tinh thể urat tại các khớp, gây ra các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ và viêm khớp.
Bệnh gout là một rối loạn chuyển hóa liên quan đến sự tăng axit uric máu, thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, và đang có xu hướng xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn. Theo BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân, Trưởng Khoa Cơ xương khớp tại Bệnh viện Nhân Dân 115, axit uric trong máu một phần bắt nguồn từ quá trình chuyển hóa purine trong thực phẩm. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Lựa chọn các thực phẩm có hàm lượng purine thấp không chỉ giúp giảm nguy cơ tái phát các đợt gout cấp mà còn làm chậm tổn thương khớp.
Chế độ ăn của người bệnh gout rất quan trọng bởi một trong những nguyên nhân khiến nồng độ acid uric tăng cao gây ra bệnh gout là bởi chế độ ăn thiếu lành mạnh. Dưới đây là những thực phẩm người bệnh gout nên tránh.
Thịt đỏ
Thịt đỏ chứa hàm lượng đạm cao, khi tiêu thụ nhiều sẽ dẫn đến dư thừa protein, kích thích sản sinh và làm tăng nồng độ axit uric trong máu, gây ra các cơn đau gout. Người bệnh nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, chỉ ăn với lượng vừa phải và ưu tiên chọn phần thịt nạc, ít mỡ.
Đồ uống có ga
Đồ uống có ga chứa HFCS (siro ngô hàm lượng fructose cao) cần được tránh. HFCS là chất tạo ngọt nhân tạo từ tinh bột ngô, trong đó fructose chiếm 55% và glucose chiếm 45%, thường được sử dụng trong sản xuất thực phẩm và đồ uống.
Khi cơ thể chuyển hóa fructose, quá trình này sẽ làm tăng sản xuất purine, dẫn đến tăng axit uric trong máu, gây ảnh hưởng xấu đến người bệnh gout.
Rượu bia
Rượu bia là thức uống phổ biến trong các bữa tiệc Tết của nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiều rượu bia có thể làm tăng tổng hợp axit uric và giảm khả năng đào thải axit uric qua nước tiểu, dẫn đến nồng độ axit uric trong máu tăng cao. So với một chế độ ăn giàu đạm, uống nhiều rượu bia, đặc biệt ở người nghiện rượu, làm tăng axit uric máu rõ rệt hơn và dễ kích hoạt các cơn gout cấp tính.
Hải sản
Hải sản, dù giàu đạm và chất béo, lại chứa nhiều dưỡng chất và khoáng chất quan trọng. Tuy nhiên, với người mắc bệnh gout, việc tiêu thụ hải sản cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Ánh (Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện E), người bệnh không cần kiêng hoàn toàn nhưng nên ăn ở mức độ hợp lý để duy trì cân bằng dinh dưỡng. Cụ thể, lượng purine tiêu thụ nên dưới 100mg/ngày và chỉ nên ăn hải sản tối đa 2 lần mỗi tuần. Việc hấp thụ purine vượt mức sẽ làm tình trạng gout nặng hơn, gây ra các cơn đau cấp tính và sưng viêm khớp, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
Nội tạng động vật
Nội tạng động vật (như gan, thận, tim) chứa hàm lượng purine rất cao, có khả năng thúc đẩy các cơn gout cấp, vì vậy người bệnh cần tránh hoàn toàn.
Bánh chưng
Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Với nguyên liệu chính từ gạo nếp, thịt lợn, và đỗ xanh, bánh chưng cung cấp nhiều dinh dưỡng nhưng không chứa quá nhiều purine, vì vậy người bệnh gout có thể thưởng thức món ăn này. Tuy nhiên, cần lưu ý ăn với lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều hoặc quá thường xuyên. Tần suất khuyến nghị là 2-3 bữa/tuần.
Đặc biệt, tránh ăn bánh chưng kèm các thực phẩm giàu purine như xúc xích, lạp xưởng, hoặc thịt bò. Nếu đã ăn bánh chưng, nên hạn chế các món chứa tinh bột khác như cơm hoặc xôi trong cùng bữa ăn. Kết hợp bánh chưng với các loại rau củ như salad hoặc dưa chuột không chỉ giúp món ăn ngon miệng hơn mà còn bổ sung chất xơ, hỗ trợ đào thải axit uric hiệu quả.
Thực phẩm chế biến sẵn và có đường
Các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, và những thực phẩm chứa đường thường nằm trong danh sách cần hạn chế đối với một chế độ ăn lành mạnh. Đặc biệt, đối với người bệnh gout, siro ngô có hàm lượng đường fructose cao là vấn đề đáng lưu ý. Fructose ảnh hưởng đến khả năng phân hủy purine của cơ thể, dẫn đến nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Vì vậy, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và các món nhiều đường là cách quan trọng để kiểm soát bệnh gout hiệu quả.