Trong khi đó, dù EU xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp sữa của Việt Nam gần như không được hưởng lợi gì do EU vẫn chưa cấp phép nhập khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam.
Có vẻ như dự báo được điều này mà các doanh nghiệp sữa lớn của Việt Nam bên cạnh giữ thị phần nội địa, gần đây đã đẩy mạnh XK, đầu tư lớn ra nước ngoài nhằm cân bằng cán cân, hay nói một cách khác thì họ buộc phải tham gia vào một cuộc đua nhằm lập lại một trật tự mới do những tác động của EVFTA mang lại.
Các trang trại bò sữa của Vinamilk được đầu tư bài bản đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính nhất.
Đa dạng thị trường xuất khẩu
Cách đây hơn 10 ngày, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tham gia Hội chợ quốc tế Gulfood Dubai 2020. Tại đây, doanh nghiệp sữa có thị phần lớn nhất Việt Nam đã đặt bút ký một hợp đồng tới 20 triệu USD nhằm cung cấp sữa cho thị trường này.
Có lẽ, trong bối cảnh hoạt động động xuất khẩu từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID -19, việc Vinamilk ký một hợp đồng có giá trị lớn không chỉ giúp doanh nghiệp này duy trì đà tăng trưởng mà còn tạo cảm hứng rất lớn cho nhiều doanh nghiệp khác.
Nhưng với Vinamilk, có lẽ họ không quá bất ngờ với hợp đồng này, là bởi từ cuối năm 2018, do nắm bắt được tình hình thị trường trong nước sẽ khó khăn, nhất là sau khi EVFTA đi vào thực thi, Vinamilk đã thành lập mới Khối Kinh doanh quốc tế. Động thái này là nhằm tăng cường chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài. CEO Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết, Vinamilk sẽ tập trung hơn vào việc mở rộng sang các thị trường khác "Nếu chúng ta làm tốt, giá thành chúng ta hợp lý thì tăng trưởng sẽ ngoạn mục tại thị trường Quốc tế".
Trước đó, vào đầu tháng 2 này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức cấp mã giao dịch và cho phép 1 nhà máy của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa đặc có đường và các loại sữa đặc khác vào thị trường Trung Quốc.
Cũng phải nhắc lại, Vinamilk không phải là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được phía Hải quan Trung Quốc cấp phép xuất khẩu vào thị trường này. Trước đó, một số sản phẩm sữa tiệt trùng và sữa biến đổi của Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH (TH True Milk) cũng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép vào thị trường hơn một tỉ dân này.
Còn nhớ vào năm ngoái, TH True Milk cũng đã đi trước một bước nhằm hạn chế những khó khăn của thị trường trong nước bằng việc đầu tư hai dự án. Một là dự án chăn thả đàn bò tự nhiên, trang trại chăn nuôi, trồng bông, hướng dương, ngô tươi sạch, du lịch trang trại, với vốn đầu tư 46,5 triệu USD tại Australia. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt - thuộc sở hữu của Tập đoàn TH, cũng đã đăng ký đầu tư Dự án Chăn thả tự nhiên đàn bò, tăng cường năng lực trang trại theo hướng đầu tư hiệu quả, gia tăng lợi nhuận. Hai dự án của Tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD.
Áp lực mới
Hai câu chuyện của hai “ông lớn” ngành sữa Việt Nam đã lột tả phần nào bức tranh ngành sữa trong giai đoạn hiện nay. Đó là trước áp lực của hội nhập mà các FTA, đặc biệt là EVFTA buộc doanh nghiệp ngành sữa phải tìm những hướng đi phù hợp để có thể giữ vững vị thế trước những “ông lớn” ngành sữa từ EU sẽ tràn vào.
Quay trở lại với những khó khăn mà ngành sữa sẽ phải đối mặt sau EVFTA là rất rõ ràng. Đến thời điểm này, Việt Nam chưa xuất khẩu sữa sang EU được bởi hiện EU chưa cấp phép cho sản phẩm sữa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, trong EVFTA, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho sản phẩm sữa Việt Nam. Cụ thể, xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với phần lớn các dòng thuế nhóm sản phẩm sữa cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Xóa bỏ thuế quan với lộ trình 4-6 năm đối với nhóm bơ và nhóm sữa/kem...
Về phía mình, Việt Nam cam kết dành cho các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU mức tương đối, xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với các sản phẩm sữa whey và sữa whey đã cải biến (nhóm sữa Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu cao) và một số loại bột đặc thù. Giảm dần đều và xóa bỏ thuế quan sau 3-5 năm kể từ Hiệp định có hiệu lực đối với tất cả các sản phẩm sữa còn lại
Nhưng theo ý kiến của ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nói rằng, "vũ khí" ngành sữa Việt Nam lại nằm trong chính tập quán của người tiêu dùng trong nước là thích đồ tươi. Đó là do khoảng cách địa lí và đặc tính bảo quản nên các công ty nước ngoài khó xuất khẩu sữa tươi vào Việt Nam. Do đó, đây là lợi thế của của ngành sữa trong nước với thị trường nội địa.
Tuy nhiên, với các cam kết của Việt Nam trong EVFTA, các nhà sản xuất sữa có thể hy vọng có thể nhập khẩu các sản phẩm sữa nguyên liệu với giá hợp lý hơn trong thời gian 3-5 năm sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, qua đó cải thiện giá thành sản phẩm sữa, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.