Áp thuế 10% với toàn bộ đối tác
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer - Ảnh: VGP |
Sáng 10/4, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: “Xét đến thực tế rằng hơn 75 quốc gia đã liên hệ với các đại diện của Mỹ, bao gồm Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để đàm phán về các vấn đề liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan; và xét đến việc các quốc gia ấy không có bất cứ hành động trả đũa nào đối với Mỹ, tôi chính thức phê duyệt việc tạm dừng áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày”.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn áp thuế 10% với toàn bộ đối tác. Mức thuế đối ứng cao hơn sẽ được hoãn trong vòng 90 ngày để các bên tiếp tục đàm phán.
Tuy nhiên, Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà Tổng thống Donald Trump không hoãn áp thuế đối ứng. Người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí còn tăng thuế nhập khẩu đối ứng từ 104% lên 125% với nước này, nhằm trả đũa việc Trung Quốc áp mức thuế 84% với Mỹ.
Trả lời trên Báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - tham gia đoàn công tác của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc - Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Mỹ - xác nhận việc Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 90 ngày cho các nước, bao gồm có Việt Nam.
Việc áp mức thuế đối ứng thấp hơn, chỉ 10% được chính quyền Tổng thống Mỹ đưa ra cũng sẽ áp dụng cho tất cả các nước.
Ông Tân xác nhận Việt Nam cũng sẽ được hưởng mức thuế 10% trong thời gian bị tạm hoãn áp thuế đối ứng.
Như vậy với việc mức thuế đối ứng được áp dụng đồng thời cho tất cả các nước trong thời gian tạm hoãn là 90 ngày, Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
Một sự thay đổi tích cực
![]() |
Việc ông Trump quay “180 độ” thay đổi hoàn toàn mức thuế quan đã thông báo trước đó được cho là một sự thay đổi tích cực có lợi cho các nước trong đó có Việt Nam. |
Về động thái hoãn thuế đối ứng của Mỹ, ông Phạm Tuyến, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định: “Việc ông Trump quay “180 độ” thay đổi hoàn toàn mức thuế quan đã thông báo trước đó đối với hầu hết các quốc gia trong vòng 90 ngày đồng thời giảm thuế xuống 10% trong giai đoạn này, ngoại trừ Trung Quốc là một diễn biến bất ngờ. Điều này cho thấy trọng tâm trong chính sách áp thuế của Trump từ trước đến nay vẫn là cuộc cạnh tranh thương mại gay gắt với Trung Quốc và được thể hiện rõ ràng ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông."
Theo ông Tuyến, những quyết sách kinh tế và đối ngoại của ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố khó đoán định, thường xuyên tạo ra những căng thẳng, đặc biệt trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung.
"Mặc dù tính cách này của Tổng thống Trump đã phần nào được thấy rõ trong nhiệm kỳ trước, nhưng việc áp đặt mức thuế cao trên diện rộng toàn cầu có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại thực sự, dẫn đến suy thoái kinh tế với những hậu quả nghiêm trọng. Có lẽ chính vì lo ngại điều này, các cố vấn của ông Trump đã thuyết phục việc tạm hoãn việc áp thuế trong 90 ngày để các bên có cơ hội đối thoại, tìm kiếm một giải pháp dung hòa lợi ích," ông Tuyến phân tích.
Nhấn mạnh bản chất cốt lõi của thương mại là hướng đến tự do hóa và hợp tác song phương, nơi lợi ích được chia sẻ một cách hài hòa. Ông Tuyến cho rằng động thái trên có thể được xem là một sự thay đổi tích cực và cho thấy ông Trump đã lắng nghe. Đây có lẽ cũng là một thông điệp về mức thuế sàn mà các quốc gia bị áp thuế có thể thương lượng với Hoa Kỳ.
Có chung nhận định trên, tiến sỹ Cấn Văn Lực chia sẻ thêm động thái này cơ bản là tích cực, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư của đa số các nước, bao gồm cả Việt nam và Hoa Kỳ. Điều này tạo điều kiện các bên rà soát, đàm phán các thoả thuận và thời gian 90 ngày cũng đủ dài để chốt các thỏa thuận. Như vậy Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước cũng có thêm thời gian để tính toán làm những kế hoạch khác, điều này cũng góp phần giảm lo lắng, chi phí thuế cho doanh nghiệp, người dân...
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, nhiều nhà lãnh đạo và giới chức quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh quyết định tạm dừng thuế quan. Thủ tướng Canada Mark Carney gọi đây là “một sự hoãn lại đáng hoan nghênh đối với nền kinh tế toàn cầu”, trong khi phía Anh khẳng định sẽ “bình tĩnh và điềm đạm” tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại với Washington.
Ở châu Á, đặc phái viên thương mại cấp cao của Hàn Quốc Cheong In-kyo nhận định đây là “tin tích cực”, đồng thời nhấn mạnh cần nhanh chóng thúc đẩy các cuộc tham vấn để giảm thiểu tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại.
Tại châu Âu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp François Villeroy de Galhau đánh giá đây là “bước đầu tiên hướng đến một nền kinh tế ổn định hơn”, WSJ cho biết.
Ông Friedrich Merz - Thủ tướng tương lai của Đức - cho rằng động thái này là minh chứng cho hiệu quả của sự đoàn kết châu Âu và kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan xuyên Đại Tây Dương.
Trong khi các đối tác khác được mở lối đàm phán, Trung Quốc lại bị siết chặt hơn khi mức thuế lên hàng hóa nước này tăng mạnh lên 125%. Điều này khiến giới quan sát lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục leo thang và kéo theo rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas từ RSM US cảnh báo chính sách thuế quan thiếu ổn định có thể không đủ để ngăn chặn suy thoái. Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới lên tới 45%.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo rằng nếu cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sụt giảm tới 80%, kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu, theo Politico.
Bà kêu gọi các quốc gia thành viên WTO cần "giải quyết thách thức này bằng tinh thần hợp tác và đối thoại thay vì đối đầu".
![]() |
![]() |
![]() |