Mực là một loại thực phẩm có nguồn gốc từ biển, có giá trị dinh dưỡng cao. Từ mực chúng ta có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên để hiểu rõ về loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng này không phải ai cũng biết. Trong bài viết hôm nay, Tạp chí Thương hiệu và sản phẩm sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin tổng quan nhất về loại hải sản này.
5 loại mực chủ yếu
Ở Việt Nam có 5 loại mực chủ yếu là mực lá, mực trứng, mực ống, mực mai và mực sim. Mỗi loại đều có đặc điểm cũng như độ ngon riêng và được sử dụng trong những món ăn đặc thù.
Mực lá
Mực lá có tai mực khá là dài, nhìn bề ngoài thì tai mực dài đến gần hết cả thân, khi bơi trong nước nhìn như chiếc lá. Thân mực lá có màu trắng trong với những đốm đen và nâu li ti chạy quanh. Khi sơ chế vì mực lá không có phần mai nên chỉ có phần dạ dày cần làm sạch.
Thịt mực lá dày, giòn, vị ngọt đậm đà. Loại mực này thường được những người sành ăn lựa chọn và có trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn sang trọng. Đây cũng là loại mực thường được dùng để làm mực khô, nướng lên thơm, càng nhai càng ngọt.
Mực ống
Mực ống có hình ống, thân dài, nhiều râu nhỏ và 2 xúc tu dài, da có nhiều đốm hồng, mắt to trong suốt, đặc biệt là phần vây đuôi rất dễ nhận biết xuất phát từ giữa thân kéo dài xuống cuối thân hình thoi.
Mực ống có túi mực đen dùng để phòng vệ khi bị kẻ thù tấn công, ngoài ra còn có phần xương sống giống sợi nhựa ở giữa lưng, khi sơ chế người ta thường sẽ rút ra để làm sạch.
Mực trứng
Mực trứng hay còn được gọi là mực sữa, là loại mực có kích thước khá nhỏ, mỗi con thường chỉ dài khoảng 5 – 12 cm, thân hình màu đỏ nâu. Đúng như tên gọi, mực trứng bên trong chứa toàn trứng, thường được đánh bắt vào mùa sinh sản.
Mực sim
Mực sim là mực có kích thước nhỏ nhất trong các loại mực. Con to nhất cũng chỉ bằng 2 ngón tay khi đã trưởng thành. Mực sim có thể chế biến thành nhiều món như mực sim xào cùng dưa chua, cần tỏi và ớt cay giống như các loại mực khác.
Mực mai (mực nang)
Mực mai (hay còn gọi là mực nang) là loại mực có kích thước lớn gấp nhiều lần mực ống và mực trứng. Đúng như tên gọi, mực mai có nguyên 1 tảng mai bằng canxi cực to bên trong. Thịt mực mai rất dày và giòn nhưng hương vị nhạt do đó mực thường không được dùng ăn tươi mà chủ yếu để giã chả mực.
Giá trị dinh dưỡng của mực
Mực có thân mềm, có mai, đầu có mười tua và bụng chứa một túi đựng một chất nước có màu đen. Mực thường sinh sống ở các cửa sông, biển sâu, những vùng nước ở ngoài khơi.
Trong mực có rất nhiều giá trị dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt làchứa rất nhiều prptein. Bên cạnh đó, mực còn chứa các nguồn khoáng chất thiết yếu như là : Riboflavin, vitamin B12, phốt pho, đồng, selen, ít chất béo bão hoà và ít natri.
Giá trị dinh dưỡng của mực |
Tác dụng của mực đối với sức khoẻ
Từ những giá trị dinh dưỡng đó, mực có rất nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe:
Mức giúp răng và xương chắc khoẻ: Vì trong mực có 2 thành phần là canxi và phốt pho rất cao, đây là thành phần giúp răng và xương khoẻ mạnh hơn.
Giúp hỗ trợ hình thành hồng cầu: Theo nghiên cứu, 100g mực sẽ cung cấp 90% lượng đồng, đồng giúp cơ thể lưu trữ, hấp thụ, trao đổi chất hỗ trợ hình thành hồng cầu.
Giúp ngăn ngừa viêm khớp: Mực tươi cung cấp 63% selenium có tác dụng chống oxy hóa, giảm những triệu chứng về xương khớp.
Giảm huyết áp: Chất khoáng kali trong mực giúp giảm huyết áp.
Bên cạnh đó, mực còn nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe như là: Ổn định lượng đường trong máu, tăng cường hệ miễn dịch, chống ợ chua .
Cách chọn mực tươi ngon
Mực tươi là mực có mắt trong có thể nhìn rõ con ngươi, còn mực không còn ngon thường mờ và đục. Khi ấn vào, mực tươi có phần thịt cảm giác rất săn chắc, đàn hồi tốt. Khi ấn tay vào và thả tay ra thì mực nhanh trở lại trạng thái ban đầu
Mực tươi có râu mực săn chắc, không bị nhão, dính chặt vào thân. Các xúc tu vẫn còn đầy đủ, dính với râu mực, nếu xúc tu rơi rớt ra ngoài thì đây chắc chắn là mực không ngon rồi
Cách chọn mực tươi ngon |
Hướng dẫn sơ chế mực đúng cách
Bước 1: Rút đầu và râu mực
Trước tiên bạn dùng tay giữ phần thân mực, tay còn lại kéo nhẹ phần đầu mực ra ngoài. Sau đó, nhẹ nhàng bóc bỏ túi mực để tránh làm vỡ túi mực.
Bước 2: Cắt bỏ mắt và răng mực
Bạn dùng dao cắt bỏ phần mắt mực đi. Đối với răng mực, chính là khối tròn cứng ở vị trí giữa đầu mực, bạn có thể dùng tay để nặn và bỏ răng mực đi.
Bước 3: Lột da mực
Bạn cắt nhẹ một đường phía đầu của thân mực bằng dao, việc này nhằm mục đích tạo một đường gờ giữa phần thịt và da mực. Sau đó, bạn dùng một tay giữ thịt mực, tay còn lại nằm phần da mực và kéo lên. Lột nhẹ nhàng cho đến khi hết phần da.
Bước 4: Rửa sạch
Cuối cùng, bạn rửa sạch lại phần đầu, ruột và phần thân mực với nước cho sạch và tiếp tục các công đoạn chế biến tiếp theo.
Giá của Mực
- Mực lá: Trên thị trường hiện nay, mực lá có giá khoảng 380.000 - 450.000 đồng/ 1kg.
- Mực ống: Trên thị trường hiện nay, mực ống có giá khoảng 200.000 - 350.000 đồng/ 1 kg.
- Mực trứng: Trên thị trường hiện nay, mực trứng có giá khoảng 200.000 - 400.000 đồng/ 1 kg.
- Mực sim: Trên thị trường hiện nay, mực sim có giá khoảng trên 170.000 đồng/ 1 kg.
- Mực nang: Trên thị trường hiện nay, mực nang có giá khoảng 170.000 - 250.000 đồng 1 kg.
Các món ngon chế biến từ mực
Mực có thể chế biến được rất nhiều món ăn, mỗi món ăn được chế biến từ mực đều có hương vị vô cùng thơm ngon và đầy giá trị dinh dưỡng. Từ mực chúng ta có thể nhiều món ăn khác nhau, dưới đây là một số món ăn được chế biến từ mực.
Mực xào cần tây
Mực sau khi mua về được chế biến sạch sẽ, ướp cùng các gia vị, đợi khoảng 15 phút. Sau đó, các bạn phi thơm tỏi và cho mực vào xào đến khi mực săn lại thì các bạn cho cần tây vào xào thêm khoảng 3 - 4 phút là có thể tắt bếp và thưởng thức.
Mực xào cần tây |
Mực xào hành tây
Mực khi mua được làm sạch, sau đó cho tỏi lên phi thơm rồi cho mực vào, đợi đến khi mực săn lại các bạn thêm hành tây vào, nêm nếm gia vị phù hợp và đảo đều tầm 3 phút rồi tắt bếp là có thể thưởng thức được rồi.
Mực xào hành tây |
Mực nhúng giấm
Mực sau khi mua về các bạn rửa sạch, lột sạch lớp vỏ bên ngoài và bỏ hết phần nội tạng bên trong, sau đó cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Pha nước giấm để nhúng mực là một khâu rất quan trọng, các bạn pha theo tỉ lệ 2 chén nước dừa tươi, nửa chén giấm gạo, 2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe bột ngọt và 2 muỗng cafe đường.
Mực nhúng giấm |
Mực xào ớt chuông
Mực xào ớt chuông là một món ăn được chế biến rất đơn giản nhưng hương vị thơm ngon của món ăn sẽ khiến bạn không thể nào cưỡng lại được. Miếng mực khi xào lên có độ giòn vừa phải, vị ngon của mực kết hợp với ớt chuông tạo nên một món ăn vô cùng thơm ngon và rất đặc trưng.
Mực được rửa sạch và làm sạch. Kế tiếp, các bạn phi thơm tỏi sau đó cho mực vào, nêm nếp, đảo đều đến khi mực thấm gia vị thì các bạn cho ớt chuông, hành tây vào xào ở lửa lớn.
Khi ớt chuông và hành tây vừa chín tới thì cho hành lá, cần tàu vào, đảo đều 30 giây rồi tắt bếp.
Mực xào ớt chuông |
Mực xào cà chua
Món mực xào cà chua được khá nhiều người yêu thích, nhưng có thể khi xào mực sẽ dễ bị ra nước và tanh, làm mất đi vị ngon, ngọt của mực. Chính vì thế, khi chế biến các bạn cần chú ý và sơ chế thật kỹ mực để giữ được vị ngon cho mực.
Mực sau khi sơ chế sạch sẽ, các bạn sẽ đem ướp mực với các gia vị, sau đó phi thơm tỏi và cho mực vào xào ở lửa lớn trong 2 phút. Đợi đến khi mực săn lại thì cho cà chua, thơm và dưa leo và đảo đều.
Đợi đến khi các nguyên liệu vừa chín tới, thì cho hành và ngò vào, tắt bếp là chúng ta đã có món mực xào cà chua rất ngon.
Mực xào cà chua |
Mực xào dưa leo
Mực sau khi được sơ chế, các bạn luộc mực sơ qua. Sau đó, phi thơm tỏi rồi cho mực vào, nêm nếm gia vị rồi sau đó cho dưa leo vào. Đợi đến khi dưa leo vừa chín tới thì cho thêm hành lá, cần tây vào và tắt bếp là có thể thưởng thức.
Cho mực xào dưa leo ra dĩa, các bạn có thể thêm một tí tiêu hoặc ớt để cho món ăn thêm hấp dẫn và thơm ngon hơn.
Mực xào dưa leo |
Mực xào nấm kim châm
Mực sau khi được sơ chế, các bạn ướp mực trước khi chế biến. Các bạn phi thơm tỏi, sau đó cho mực vào xào đến khi mực săn lại, sau đó các bạn cho mực ra dĩa.
Kế tiếp chúng ta tiếp tục cho nấm vào đảo đều đến khi nấm mềm, cho mực trở lại và nêm nếm các giá vị là hoàn thành món mực xào nấm kia châm.
Mực dai giòn kết hợp với nấm kim châm mềm là một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo.
Mực xào nấm kim châm |
Mực trứng hấp gừng
Mực sau khi được làm sạch, các bạn cho 1 lít nước và cho lần lượt gừng, sả, chanh vào đun sôi. Khi nước sôi cho mực vào hấptrong 8 - 10 phút là chúng ta đã có món mực trứng hấp gừng vô cùng thơm ngon.
Mực trứng hấp gừng |
Mực hấp bia
Mực sau khi được sơ chế, các bạn đổ 1 lon bia vào nồi rồi đặt xửng hấp lên, cho mực và sả đập dập và rồi đậy nắp hấp cách thủy trong vòng 5 - 6 phút là chúng ta đã có món mực hấp bia.
Mực hấp bia |
Mực rim me
Một khâu rất quan trọng khi chế biến món ăn này là làm nước sốt me. Để làm nước sốt, các bạn cho 30g gừng băm, 40g ớt khô, 20g ớt sa tế, 3 muỗng đường và 2 muỗng nước mắm vào bắt nước cốt me và khuấy đều.
Kế tiếp, các bạn phi thơm tỏi và cho phần mực đã xé vào chảo đảo đều trong 3 phút, sau đó các bạn đổ phần nước me đã chuẩn bị vào đảo đều chung với lửa nhỏ tầm 15 phút là có thể ăn.
Mực rim me |
Lẩu mực nấm
Nồi nước dùng vô cùng thanh ngọt được chế biến từ gừng, tỏi, nước dừa cùng với các gia vị sẽ tạo nên một món lẩu mang đậm hương thơm của nấm, thanh mát từ nước dừa vô cùng hấp dẫn. Múc nước dùng từ nồi lẩu, khi ăn các bạn sẽ nhúng mực, các loại nấm và rau vào ăn kèm với bún, nước mắm cay.
Lẩu mực nấm |
Hy vọng với những thông tin mà Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm cung cấp như cách nhận biết các loại mực, tác dụng dinh dưỡng của mực, cũng như cách chọn mực tươi ngon và cách chế biến các món ăn từ mực, sẽ giúp bạn đọc trong mùa hè này có thể chế biến cho gia đình mình những món ăn ngon và đầy chất dinh dưỡng từ mực.