Thông tin tổng quan về mướp đắng
Mướp đắng là một loại quả có hình giống dưa chuột, màu xanh, nhưng bề ngoài sần sùi và có vị vô cùng đắng. Đây là một loại quả được sử dụng rộng rãi ở các nước Ấn Độ, Châu Á, Caribe và Châu Phi.
Mướp đắng rất giàu chất phytochemical, chẳng hạn như flavonoid, triterpenoids và polyphenol, những chất này đều được chứng minh là có khả năng ngăn chặn và làm chậm sự phát triển của các tế bào gây ung thư. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho các bệnh như béo phì, tiểu đường, các vấn đề về tiêu hóa cùng một số căn bệnh khác.
Những lợi ích sức khỏe của mướp đắng
Mặc dù mướp đắng có vị khá khó ăn, tuy nhiên nó lại vô cùng bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích đáng chú ý mà mướp đắng mang lại cho sức khỏe:
Giúp cải thiện bệnh tiểu đường loại 2
Mướp đắng có thể làm gia tăng quá trình chuyển hóa đường glucose trong cơ thể, từ đó giúp làm giảm mức đường trong máu một cách hiệu quả. Để nhận được tối đa những lợi ích sức khỏe mang lại từ loại quả đặc biệt này, bạn có thể pha một ly nước từ mướp đắng và uống nó vào mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện những triệu chứng như tiêu chảy, sốt và đau bụng, bạn nên dừng việc sử dụng mướp đắng lại và tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ.
Trước khi thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào trong chế độ ăn uống, người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và kiểm tra theo dõi lượng đường huyết thường xuyên để có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp với tình trạng bệnh của mình.
Giảm mức cholesterol trong máu
Ăn mướp đắng có thể giúp bạn làm giảm được mức cholesterol trong máu. Thông thường, qua xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được mức cholesterol cao của bạn. Khi máu tích tụ quá nhiều cholesterol có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim mạch.
Chính vì vậy, mướp đắng được coi là một phương thuốc tự nhiên giúp ngăn ngừa những căn bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, bệnh tim và đột quỵ.
Giảm đau do bệnh sỏi thận
Nhiều bằng chứng đã cho thấy loại quả có vị đắng này giúp phá hủy các viên sỏi thận để cơ thể dễ dàng đào thải chúng ra bên ngoài bằng đường tiểu. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng trong việc làm giảm nồng độ acid trong nước tiểu và làm giảm nhẹ các cơn đau do sỏi thận gây ra.
Nếu bạn bị sỏi thận, bạn nên pha một ly trà được làm từ mướp đắng, không bỏ thêm đường để có thể cải thiện tình trạng bệnh của bạn.
Kìm hãm sự phát triển của ung thư tuyến tụy
Loại quả nhỏ bé và có vị khá khó ăn này lại mang trong mình những đặc tính chống ung thư vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt những bệnh nhân ung thư tuyến tụy nên bổ sung thêm mướp đắng vào chế độ dinh dưỡng của mình vì nó có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất ra glucose, đồng thời góp phần ức chế và kìm hãm sự phát triển của các tế bào gây ung thư tuyến tụy.
Ngoài ra, mướp đắng cũng giúp ngăn ngừa một số loại ung thư ác tính khác, chẳng hạn như ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Tốt cho sức khỏe làn da và giảm cân hiệu quả
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã phát hiện ra rằng, tinh chất tự nhiên có trong mướp đắng có tác dụng dịu nhẹ với làn da, hỗ trợ “đắc lực” để điều trị các tình trạng về da như mụn trứng cá, eczema và vảy nến, đồng thời cải thiện làn da trở nên trắng sáng hơn.
Ngoài tác dụng làm đẹp da, mướp đắng cũng được xem là một biện pháp giảm cân hiệu quả. Bởi lẽ loại quả này cung cấp rất ít năng lượng cho cơ thể, nhờ đó giúp bạn giảm cân và kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý hơn, ngăn ngừa được nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Cải thiện chức năng hệ tiêu hóa
Việc ăn mướp đắng thường xuyên sẽ giúp bạn tăng cường được các chức năng hoạt động của túi mật và ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng ứ dịch. Đây cũng là lý do vì sao mà những người bị viêm gan, xơ gan hoặc táo bón nên thêm mướp đắng vào chế độ ăn uống của mình.
Tăng cường hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch khỏe mạnh là chìa khóa quan trọng giúp cơ thể ngăn ngừa và chống lại sự tấn công của bệnh tật hay các loại vi khuẩn có hại. Do đó, mướp đắng được coi là một biện pháp tự nhiên, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm nấm, dị ứng thức ăn hoặc hỗ trợ cải thiện chứng trào ngược dạ dày – thực quản và tình trạng khó tiêu.
Tốt cho xương khớp
Mướp đắng là một nguồn thực phẩm cung cấp dồi dào lượng vitamin K cho cơ thể. Loại vitamin này rất quan trọng đối với những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, giúp giảm đau nhức xương khớp, tăng cường sức khỏe của xương, kháng viêm và tham gia vào quá trình làm đông máu của cơ thể. Ngoài ra, mướp đắng cũng chứa rất nhiều chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bạn.
Tác dụng phụ và mức độ an toàn khi sử dụng mướp đắng
Khi dùng bằng đường uống: trong một thời gian ngắn (khoảng 4 tháng), mướp đắng được xem là an toàn đối với hầu hết mọi người khi sử dụng bằng đường uống. Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải những triệu chứng khó chịu ở dạ dày khi uống mướp đắng. Hiện nay, các nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được bằng chứng cho thấy việc sử dụng mướp đắng lâu dài là an toàn.
Khi bôi lên da: trong một số trường hợp nhất định, bôi mướp đắng lên da có thể gây ra tình trạng phát ban.
Đề phòng và cảnh báo đặc biệt:
- Đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú: không nên uống mướp đắng trong thời gian thai kỳ. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra trong mướp đắng có một số chất hóa học dẫn đến tình trạng xuất huyết âm đạo và có nguy cơ cao bị sẩy thai.
- Bệnh nhân tiểu đường: mặc dù mướp đắng có thể làm giảm được lượng đường huyết, tuy nhiên nếu bạn đang sử dụng thuốc để điều trị bệnh tiểu đường trong khi kết hợp sử dụng với mướp đắng có thể làm cho mức đường huyết bị giảm xuống mức quá thấp.
- Những người bị thiếu men G6PD: G6PD là tên viết tắt của glucose-6-phosphate dehydrogenase. Những bệnh nhân bị thiếu hụt chất này có thể gặp phải chứng ngộ độc đậu tằm sau khi ăn hạt mướp đắng. Chứng bệnh này có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, kèm theo các triệu chứng như sốt, nhức đầu, hôn mê hoặc đau dạ dày ở một số người.
- Người có dự định hoặc đã trải qua phẫu thuật: thực chất, mướp đắng có thể làm cản trở việc kiểm soát lượng đường huyết của bạn trong và sau khi thực hiện phẫu thuật. Để đảm bảo an toàn, bạn nên ngừng sử dụng mướp đắng ít nhất khoảng 2 tuần trước khi tiến hành phẫu thuật theo đúng lịch trình.
Loại củ sâm giống khoai lang là sản phẩm tuyệt vời bồi bổ sức khỏe |
Những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe đường ruột |
Thuốc nhuộm tóc thảo dược có gì mà được ưa chuộng đến vậy? |