Bột dong ở Bình Lư khi làm miến vừa trong, vừa dẻo, sợi miến làm ra dài tới mấy mét mà không bị đứt gãy
Nghề miến dong đến với Bình Lư từ những năm đầu thập kỷ 70. Khi ấy, người dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư làm miến dong chỉ đơn giản là vì nỗi nhớ bát miến quê hương và muốn thử nghiệm cây dong có hợp với đất này, tay nghề làm miến sau những năm xa quê có bị mai một? Bởi dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư hầu hết là người Thái Bình di cư lên xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc.
Nỗi nhớ quê hương làm người dân Bình Lư thèm bát canh miến nấu riêu cua ấm áp ở quê nhà. Thế là họ trồng củ dong, vừa ăn cho đỡ đói, rồi làm thêm miến. Nào ngờ củ dong ở đây rất tốt, đặc biệt là chất bột rất nhiều. Bột dong Bình Lư khi làm miến vừa trong, vừa dẻo, sợi miến làm ra dài tới mấy mét mà không đứt gãy. Miến nấu lên vừa mềm, vừa dai và trơn mát, ngon hơn hẳn sợi miến ở quê nhà.
Nhưng phải tới những năm cuối của thập kỷ 90, khi giao thương hàng hóa phát triển mạnh, thương hiệu miến Bình Lư mới được biết đến trên thị trường. Cây dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nhờ đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất, chất lượng, năng suất của sản phẩm miến dong Bình Lư ngày càng được cải tiến
Không ở đâu có nguồn nguyên liệu làm miến dong ngon như ở Bình Lư. Đấy là cái lộc của trời, của đất ban cho người dân nơi đây. Miến Bình Lư ngon không phải chỉ do giống củ dong mà còn bởi chất đất Bình Lư khác, khí hậu Bình Lư khác, nguồn nước ở Bình Lư cũng khác và con người Bình Lư cũng có những cách làm miến dong khác với nhiều nơi.
Sản phẩm ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng và đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất của làng nghề này
Được chế biến hoàn toàn từ tinh bột nguyên chất của củ dong riềng, không sử dụng hóa chất, phụ gia. Miến dong Bình Lư được người tiêu dùng nhớ đến và ưa chuộng bởi những đặc tính riêng biệt, khó lẫn với những loại miến khác. Không có sắc vàng bóng bẩy, bắt mắt như miến của làng Cự Đà (Hà Nội), miến dong Bình Lư có màu hơi xanh. Miến có mùi thơm đặc trưng, không bị chua, vị giòn dai, sợi miến nhỏ khi nấu lên rất mềm nhưng không bị dính, và đặc biệt hơn cả là, miến có thể nấu lại từ 2-3 lần mà không bị nát.
Trong quy trình sản xuất miến, mỗi hộ có bí quyết riêng nhưng vẫn đảm bảo sự thơm ngon của miến dong Bình Lư. Để làm ra sợi miến ngon cần hội tụ đủ các yếu tố như: màu trong, sợi nhỏ, dai, dẻo, vị đậm đà thì yêu cầu đầu tiên là bột dong nguyên chất, khâu đánh bột vừa tới, nếu khô hoặc nhão quá đều ảnh hưởng đến chất lượng miến thành phẩm-những điều này chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm và sự trung thực của người làm nghề. Đối với những người làm miến dong ở đây, thì các tiêu chí này đều là có thừa. Chính điều đó tạo nên thương hiệu miến dong Bình Lư nổi tiếng trong thời gian qua.
Theo kinh nghiệm của người dân làng nghề, để miến ngon, việc chọn địa điểm phơi cũng rất quan trọng. Khoảng sân hoặc vườn phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng và là nơi hấp thụ tốt nhất ánh sáng mặt trời. Trên đó, được thiết kế cọc trụ bằng tre, bêtông có chiều cao từ 60cm trở lên để tránh bụi, độ ẩm của đất. Các trụ này được kết nối bởi những sợi dây chắc (thép, dây chuyên dụng…) có độ bền để làm giá đỡ cho những phên miến.
Khi miến đạt độ se nhất định được chuyển sang dây phơi cao hơn (từ 1,5m trở lên) cho đến khi khô được gấp, buộc thành từ bó miến thành phẩm. Tận dụng lợi thế sinh sống ven mặt đường Quốc lộ 4D, các hộ dân đã treo biển, bày bán miến ngay tại nhà mình. Và từ đó những sợi miến theo thương lái đến với người tiêu dùng ở mọi miền của đất nước.
Để làng nghề miến dong Bình Lư ngày càng phát triển, mở rộng thị trường, huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sản xuất, chế biến gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm
Hiện việc sản xuất miến dong ở Bình Lư gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu do các giống dong bị thoái hóa, không còn đạt chất lượng về bột và củ nên ảnh hưởng đến chất lượng của miến. Chương trình hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư thiết bị máy móc hiện đại còn hạn chế; sản xuất miến phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nếu nắng ấm sản xuất đều, còn thời tiết mưa nhiều thì sản lượng và chất lượng sản phẩm bị giảm vì sẽ bị ẩm, mốc, không giữ được đặc trưng giòn, dai của sợi miến...
Những năm qua, để giúp cho làng nghề thêm phát triển, xã Bình Lư đã quy hoạch vùng trồng dong riềng với diện tích 220ha, năng suất đạt 60 tấn củ/ha tập trung nhiều ở các bản Hoa Lư, Thống Nhất, Vân Bình… Bên cạnh đó, để tránh tình trạng bị các tiểu thương ép giá, xã Bình Lư đã tổ chức họp bàn về việc bao tiêu sản phẩm củ dong riềng cho các hộ dân tại 7 bản.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bà con xã Bình Lư sáng tạo ra miến dong đậu xanh, đậu đen. Sản phẩm miến mới này đang được khách hàng cả nước ưa chuộng, bởi khi nấu chín sợi miến mềm hơn và có mùi thơm của đỗ, khác với loại miến thông thường trước đó. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm miến dong Bình Lư.
Để làng nghề miến dong Bình Lư ngày càng phát triển, mở rộng thị trường, huyện Tam Đường đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sản xuất, chế biến gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Không dùng hóa chất, chất phụ gia để đảm bảo sức khỏe của gia đình, người tiêu dùng cũng như giữ được hương vị thơm ngon riêng biệt của miến Bình Lư. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc chế biến, mở rộng sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Khánh Hòa