Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã thông tin đến bạn đọc ở hai bài viết: TX Bỉm Sơn (Thanh Hóa): “Đất tặc” tung hoành dưới vỏ bọc hạ cốt nền và Kỳ 2: Chính quyền có làm ngơ cho Công ty LKC sai phạm? về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu phố 12 (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Ai là người đã tiếp tay cho hành vi sai phạm?” và nơi tiêu thụ khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản, PV Thương hiệu & Sản phẩm đã ghi nhận bằng video, hình ảnh suốt một tháng tại khu dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn kết hợp cây ăn quả, cây dược liệu của Công ty CP dịch vụ Truyền thông LKC Việt Nam.
Nhà máy xi măng POMIHOA có tiêu thụ khoáng sản khai thác trái phép?
Theo thông tin mà PV có được, tại Quyết định số 3772/QĐ-UBND ngày 03/10/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cho phép Công ty CP dịch vụ Truyền thông LKC Việt Nam chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất tại phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) để thực hiện dự án xây dựng trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản kết hợp cây ăn quả, cây dược liệu LKC Việt Nam với thời hạn 50 năm.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ có quy định: Đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp bị xử phạt thấp nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với khoáng sản có giá trị dưới 1.000.000 đồng, cao nhất là phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với khoáng sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; đồng thời tịch thu tang vật vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. |
Văn bản số 40/GP-UBND cấp ngày 19/04/2019 cho phép Công ty CP dịch vụ Truyền thông LKC Việt Nam được khai thác đất thải làm vật liệu san lấp trong quá trình thi công dự án đầu tư xây dựng Trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản kết hợp cây ăn quả, cây dược liệu LKC với thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp phép.
Trong giấy phép này ghi rất rõ mục đích sử dụng khoáng sản chỉ làm vật liệu san lấp trong quá trình thực hiện thi công dự án đầu tư xây dựng trang trại.
Đáng chú ý, giấy phép trên chỉ có thời hạn đến ngày 19/04/2021. Tuy nhiên tại thời điểm PV tiến hành tác nghiệp là ngày 07/08/2021 tại khu vực này các nhóm đối tượng vẫn đang tiến hành khai thác đất, khoáng sản rầm rộ.
Theo quan sát của PV, mỗi ngày nhóm “đất tặc” huy động nhiều chiếc xe tải hạng nặng vô tư hạ những quả đồi để khai thác đất và khoáng sản… Sau khi “ăn” no đất, để tránh sự “nhòm ngó”, các xe này di chuyển men theo đường rừng, sát chân dãy núi Tam điệp, nơi ít người đi lại để thuận tiện cho việc chở đất đi tiêu thụ, và một trong số những điểm đến là nhà máy xi măng POMIHOA nằm trên địa bàn thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Một trong số những điểm đến của "đất tặc" là nhà máy xi măng POMIHOA |
Câu hỏi ở đây là nếu nhà máy xi măng POMIHOA là nơi tiêu thụ khoáng sản được khai thác trái phép tại dự án này, vậy Nhà máy xi măng này có biết rõ nguồn gốc khoáng sản này không, có kiểm ra, giám sát để đảm bảo không mua,bán, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp hay không?. Liệu có phải đơn vị bán hàng cho nhà máy xi măng POMIHOA đã “phù phép” để biến khoáng sản này thành hợp pháp để bán cho Nhà máy xi măng này? Hiện PV đang liên hệ làm việc với nhà máy xi măng POMIHOA và cơ quan thuế để làm rõ sự việc trên.
Chính quyền buông lỏng quản lý hay “tiếp tay” cho đất tặc?
Không biết chính quyền địa phương có các hành động gì về việc xử lý các vi phạm này hay không. Nhưng trong suốt quá trình tác nghiệp hơn 01 tháng trời ở khu vực này, PV không thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản tại dự án của Công ty CP dịch vụ Truyền thông LKC Việt Nam.
Quá trình ghi nhận, những chiếc xe HOWO chở đất này đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng. Trong đó ghi nhận 09 xe tích cực “cõng đất” ra nhà máy xi măng POMIHOA với tần suất dày đặc có biển kiểm soát lần lượt là 36C 19297, 36H 00626, 36C 19704, 35H 00539, 35C 06894, 36C 07118, 36C 19762, 35C 03494, 35C 06838. Những chiếc xe này mang logo của các nhà xe: HN, TT, BA, CH, Đại Đoàn, Công ty Phú Thành.
Dấu hiệu buông lỏng quản lý để “đất tặc” lộng hành tại dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn kết hợp cây ăn quả, cây dược liệu của Công ty CP dịch vụ Truyền thông LKC Việt Nam |
Ngày 29/9, trong quá trình làm việc với chính quyền phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn để làm rõ thông tin về tình trạng trên, PV vừa cung cấp hình ảnh, video, ông Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn đã thốt lên “Đây xe của thằng T đây rồi!”.
Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn cho biết: “Phường cũng đã có văn bản gửi xuống thị xã vì giờ không có thiết bị gì để xác định tọa độ, khi bàn giao còn có tọa độ mốc giới, nhưng theo thời gian cái còn cái mất.”
Phản ứng này cho thấy vị Chủ tịch UBND phường biết rất rõ thông tin về đối tượng “T” và tình trạng của khu vực này. Thế nhưng không hiểu vì sao các đối tượng núp bóng dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi và trồng cây vẫn có thể khai thác đất, khoáng sản đưa đi tiêu thụ bên ngoài trong suốt một thời gian dài?
Ngày 5/10, PV làm việc với ông Dương Văn Đông - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn để tìm hiểu thông tin thì nhận lại được câu trả lời không thể đơn giản hơn: “Để cho anh/em đi kiểm tra” và hẹn sẽ trả lời qua Email.
Đáng chú ý, chỉ khoảng 5 phút sau khi làm việc với ông Dương Văn Đông, PV đang trên đường đi về thì nhận được cuộc điện thoại từ số lạ tự xưng là người quản lý tại khu vực đang xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản nói trên, ngỏ ý muốn hẹn gặp, nhưng PV đã từ chối cuộc gặp này.
Đến ngày 07/10, PV nhận được thư trả lời qua Email của ông Dương Văn Đông. Tuy nhiên nội dung trong thư trả lời qua Email cũng rất sơ sài, không đúng quy cách thể thức văn bản trả lời một cơ quan báo chí theo quy định.
Cụ thể, ông Đông cung cấp cho chúng tôi một “Danh sách các đơn vị khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản, các đơn vị đang lập hồ sơn khai thác khoáng sản” được soạn trong một trang Excel, không có con dấu, chữ ký, hay ngày- tháng- năm… Nội dung trong đó cũng không nói rõ việc khai thác đất tại dự án của Công ty CP dịch vụ Truyền thông LKC Việt Nam đem đi tiêu thụ là có hay không? Đúng hay sai?
Không đồng ý với việc trả lời có phần thiếu trách nhiệm từ ông Dương Văn Đông - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn, PV tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Trịnh Tuấn Thành - Chủ tịch thị xã Bỉm Sơn để trao đổi về sự việc, tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua nhưng vị chủ tịch này vẫn “biệt vô âm tín”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã nắm được sự việc và tới đây hy vọng Chủ tịch sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc kiểm tra, làm rõ hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, đặc biệt là việc có dấu hiệu buông lỏng quản lý để “đất tặc” lộng hành tại dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn kết hợp cây ăn quả, cây dược liệu của Công ty CP dịch vụ Truyền thông LKC Việt Nam thuộc thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm sẽ tiếp tục thông tin!
Điều 43 của Nghị định 36/2020/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản: Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó mà chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác, cụ thể như sau: a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác; cho dự án, công trình khác; b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp lĩnh vực khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này. Nếu khai thác trong thời gian đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản nhưng Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn và chưa cho phép thì tùy vào khoáng sản khai thác sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; Có thể bị đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi sử dụng khoáng sản không đúng mục đích quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác khoáng sản trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015. |