Quy định quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản trong dự án Luật Địa chất và khoáng sản nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, đơn vị liên quan. |
Dự án Luật Địa chất và khoáng sản trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 01 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học đối với dự án Luật là Quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được đề cập tại Điều 51. Theo đó, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản. Hết thời hạn ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân đã thăm dò không gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò thì mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác phải hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.
Nêu quan điểm về nội dung trên, bà Đặng Thị Ngọc Thuỷ, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và khoáng sản Việt Nam khẳng định: Trên thực tế, các đơn vị thăm dò khoáng sản đều có nhu cầu xin cấp phép khai thác nhưng do điều kiện khách quan (giá bán xuống thấp, không tìm kiếm được thị trường, chưa có công nghệ chế biến sâu phù hợp… nên chưa nộp đơn xin cấp phép khai thác trong khoảng thời gian được ưu tiên (36 tháng kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả).
Tuy nhiên, với quy định trên, bà Đặng Thị Ngọc Thủy lại băn khoăn, sau thời gian trên, chưa có quy định hoặc hướng dẫn về trường hợp khi mất quyền ưu tiên, đơn vị thăm dò khoáng sản vẫn có nhu cầu xin cấp phép khai thác thì xử lý như thế nào? Ngoài ra, trong các trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư có nhiều đơn vị nộp hồ sơ xin chấp thuận đầu tư hoặc không có đơn vị nào xin chấp thuận đầu tư khai thác mỏ thì cũng không biết xử lý ra sao? Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và khoáng sản làm rõ hơn những tình huống này.
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Trưởng Ban Tài nguyên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam |
Đối với khoản 1 Điều 51, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Trưởng Ban Tài nguyên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị xem xét chỉnh sửa như sau: “Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận”. Lý do là vì có những loại khoáng sản theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ phải chờ kết quả thực hiện các dự án thí điểm mới cho triển khai các dự án tiếp theo (như bauxit), điều kiện khai thác phức tạp, phải nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp (như than Đồng bằng sông Hồng), dẫn đến chưa thể lập dự án xin cấp phép khai thác cho các khu vực đã thăm dò trong thời hạn 36 tháng.
Đứng ở góc độ khác, Luật sư, Ths. Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho rằng, mặc dù có quy định ưu tiên cho chủ thể đã thăm dò khoáng sản và đã được phê duyệt trữ lượng nhưng do giới hạn trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền công nhận kết quả phê duyệt trữ lượng nhưng trong thực tế xuất hiện nhiều tình huống bất khả kháng ngoài sự kiểm soát của các chủ thể đã cấp giấy phép thăm dò.
Luật sư, Ths. Phạm Thanh Tuấn lấy ví dụ như Chính phủ, Thướng tướng Chính phủ yêu cầu hạn chế tạm thời việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc một số loại khoáng sản có đặc thù phải nghiên cứu đánh giá về thị trường, ảnh hưởng của môi trường đến việc khai thác nên việc tạm hoãn này nếu có sẽ ảnh hưởng đến thời hạn thực hiện quyền ưu tiên của doanh nghiệp đã cấp phép thăm dò. Do đó, luật sư Phạm Thanh Tuấn đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần có quy định để xử lý cho tình huống trên, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp thăm dò.
Với tình huống trên, luật sư Phạm Thanh Tuấn đề xuất phương án sửa đổi nội dung Điều 51 là: Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản. Hết thời hạn ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân đã thăm dò không gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò thì mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác phải hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Địa chất và khoáng sản được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và sẽ tiếp được cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ ngành để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024 nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định./.