Bắc Kạn: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá du lịch Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch OCOP Hưng Yên nâng chất từ vùng nguyên liệu |
Được triển khai rộng rãi từ năm 2018, chương trình OCOP của tỉnh Hưng Yên đạt được một số thành tựu. Đối với sản phẩm OCOP, tỉnh Hưng Yên đã đánh giá, xếp hạng và công nhận 140 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Chương trình OCOP được thực hiện giúp định hướng xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường đầu ra bền vững, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Để cải thiện chất lượng và phát triển mạnh mẽ chương trình OCOP trên toàn tỉnh, Hưng Yên tổ chức Hội nghị bàn giải pháp, đánh giá thực trạng hiện nay.
Nhãn là một trong những nông sản đặc sản làm OCOP |
Khó khăn khi phát triển du lịch canh nông
Theo báo cáo tham luận của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 huyện, thành phố có tiềm năng để đầu tư phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng thu hút phục vụ khách du lịch là thành phố Hưng Yên, huyện Văn Lâm và Văn Giang.
Đánh giá về thuận lợi, là địa phương thuộc vùng trung tâm đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hưng Yên sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí. Bên cạnh đó, trên địa bản tỉnh có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, toàn tỉnh có hơn 1.802 di tích lịch sử, văn hóa, cùng hàng ngàn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị để khai thác nhằm phát huy truyền thống văn hóa và phát triển du lịch.
Trước đây các hoạt động sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, sản phẩm nông nghiệp mang tính đơn lẻ chưa liên kết chặt chẽ với nhau và chưa có khả năng tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm du lịch. Thời gian sau, việc trao đổi, mua bán hàng hóa dần trở nên chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ ngày càng được quan tâm theo hướng phục vụ du khách, hình thành nên những nông trang, vùng sản xuất chuyên canh gắn với du lịch.
Nhìn chung, du lịch gắn với nông nghiệp đã từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Hưng Yên. Song, mô hình hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hưng Yên còn một số khó khăn. Toàn tỉnh có khoảng trên 36 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, các nhóm ngành nghề đang có xu hướng phát triển là sản xuất mộc, nghề mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm. Tuy nhiên chủ yếu là gia công sản xuất sản phẩm thô, chưa được chế tác hoàn chỉnh để có tính thẩm mỹ cao, chưa thể tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ đại trà cho khách du lịch nên chưa gắn kết được nhiều với hoạt động du lịch, chủ yếu phục vụ tham quan trải nghiệm.
Sản phẩm khoa học công nghệ cho nông nghiệp còn thiếu thốn
Trong giai đoạn từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện 650 đề tài, dự án với tổng kinh phí hơn 326,2 tỷ đồng. Trên 100 nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, làng nghề, xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện.
Tuy nhiên, sản phẩm KH&CN của Hưng Yên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thiếu, chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phát triển sản phẩm của các chủ thể OCOP, phần lớn phải nhập từ bên ngoài Hưng Yên. Doanh nghiệp/Tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh lĩnh vực nông nghiệp ít, năng lực của các DN/Tổ chức hạn chế, thiếu nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực trình độ.
Ứng dụng KH&CN đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ nhất định, phải có kiến thức, kỹ năng sản xuất cơ bản, trong khi các hộ sản xuất, tổ nhóm hợp tác, HTX, còn hạn chế về trình độ. Bên cạnh đó, nguồn tài chính eo hẹp, đất đai manh mún cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu KH&CN gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, kết nối cung cầu chưa chặt chẽ, nhiều sản phẩm, dịch vụ KH&CN chưa đáp ứng được nhu cầu của các chủ thể OCOP. Hiện tại, tỉnh Hưng Yên chưa có nhiều các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ.
Phát huy thế mạnh vùng nguyên liệu sản xuất
Tập trung phát triển vùng sản xuất nguyên liệu |
Khắc phục những khó khăn, thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Hiện nay, HTX nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) có 4 sản phẩm OCOP; trong đó, sản phẩm long nhãn và mật ong hoa nhãn xếp hạng 4 sao, sản phẩm hạt sen và bột sắn dây xếp hạng 3 sao. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu trong quá trình sản xuất, HTX đã liên kết với các thành viên trong HTX và người dân trồng nhãn quanh khu vực nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Bà Trịnh Thị Bắc, Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu cho biết: Các sản phẩm nông sản sau chế biến của HTX đã có mặt ở nhiều địa phương và sàn thương mại điện tử trên cả nước. Điều này giúp cho doanh số sản phẩm của HTX tăng trưởng tốt. Do chủ động được nguồn nguyên liệu nên chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, HTX tiếp tục hỗ trợ các thành viên, người dân áp dụng công nghệ trong trồng và chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tốt, tạo ra những sản phẩm uy tín, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn và ổn định, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa...
Đồng thời, tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống; ứng dụng những giải pháp về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm
Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh Hưng Yên phấn đấu có thêm 30 - 40 sản phẩm, nhóm sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như: Thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP, phấn đấu xây dựng thêm 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Tham gia Chương trình OCOP, HTX Miền Thiết (Khoái Châu) có 3 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó sản phẩm nhãn quả tươi đạt 4 sao và 2 sản phẩm: long nhãn và mật ong hoa nhãn đạt 3 sao. Với lợi thế của địa phương có giống nhãn chín muộn Hàm Tử đã trở thành vùng trồng nhãn quy mô lớn, thu hút được đông đảo khách trong và ngoại tỉnh về thăm quan, mua hàng.
Hiện nay cần có sự liên kết giữa các hộ với nhau tạo thành vùng sản xuất chuyên canh,tập trung có quy mô lớn, việc thành lập HTX thu mua, tiêu thụ nhãn quả cho nhân dân góp phần ổn định, yên tâm sản xuất cho bà con nhân dân trong và ngoài xã,qua đó khẳng định thương hiệu của giống nhãn ra bên ngoài thị trường khu vực và quốc tế. Qua đó, giúp các hộ trồng nhãn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Áp dụng Khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây nhãn; đặc biệt là việc dùng phân bón và thuốc Bảo vệ thực vật, mạnh dạn áp dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, vi sinh thân thiện môi trường, và áp dụng đúng quy trình của VietGap để sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, mấu mã đẹp, để tiêu thụ trên thị trường và đảm bảo được thương hiệu Nhãn lồng Hưng Yên.
Trong năm qua, HTX cũng đã ứng dụng phần mềm quản lí thông minh “Agricheck”, sử dụng tem truy xuất để Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống làm hàng giả...Tất cả các thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, từ khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào đến khâu sản xuất đóng gói thành phẩm, lưu thông, phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách minh bạch, rõ ràng, chỉ với một thao tác quét mã đơn giản bằng điện thoại thông minh.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số trong xây dựng và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu các sản phẩm OCOP thông qua việc xây dựng phần mềm quản lý sản phẩm, đánh giá phân hạng sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh.