Toàn tỉnh Hưng Yên có 140 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. |
Nở rộ sản phẩm OCOP từ đồng ruộng
Hiện nay, toàn tỉnh có 140 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 116 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao và 24 sản phẩm hạng 4 sao. Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Từ đó, tăng cường đầu tư công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm đạt chất lượng cao.
Hiện nay, những vùng trồng nhãn, chuối, nghệ tập trung ở huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP đã được các địa phương quan tâm, chú trọng. Tư duy của nhiều chủ thể đã dần thay đổi để tự chủ trong kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu của sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Việc tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất đã giúp một số sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu như: Sản phẩm bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu, xã Chí Tân (Khoái Châu), sản phẩm hạt sen, long nhãn của Công ty TNHH Lai Hoài, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), nhãn quả tươi của HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên)…
Vùng nguyên liệu nghệ tại huyện Khoái Châu. |
Tại Hợp tác xã (HTX) thương mại và dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng (Khoái Châu) được thành lập từ năm 2018, với trên 4,2ha vùng nguyên liệu trồng nghệ. Hiện nay, HTX có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh gồm: Bột nghệ, tinh bột nghệ, dầu lạc, tinh bột nghệ mật ong corri.
Việc bảo đảm được vùng nguyên liệu sản xuất đã giúp HTX thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ ở các hộ gia đình sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, tạo điều kiện để các thành viên HTX nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX cho biết: Việc phát triển vùng nguyên liệu, vùng trồng tập trung, chuyên canh áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đã giúp HTX tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Ưu tiên hỗ trợ vùng nguyên liệu tập trung
Năm 2022, tỉnh Hưng Yên phấn đấu có thêm từ 30 đến 40 sản phẩm, nhóm sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn và ổn định, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Hưng Yên sẽ hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa...
Đồng thời, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống; ứng dụng những giải pháp về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP Hưng Yên. |
Ông Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã mở rộng thị trường tiêu thụ vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, doanh thu cho chủ thể. Trong đó, việc hình thành vùng nguyên liệu đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chủ động kế hoạch sản xuất và kiểm soát nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Các tổ chức, cá nhân đã chủ động nâng cao năng lực về tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến khi mở rộng vùng nguyên liệu. Chủ động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử để mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc trưng tới người tiêu dùng, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.
Đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn đã mở đường cho các sản phẩm OCOP phát triển cả về chất và lượng. Sản phẩm OCOP Hưng Yên đã từng bước khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu./.