Hưng Yên phát triển nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng tầm sản phẩm OCOP Khởi công cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Hưng Yên Hưng Yên phấn đến năm 2025 có thêm từ 70 đến 100 sản phẩm OCOP |
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, tỉnh hiện có 100 máy cấy các loại. Năm 2022, diện tích cấy bằng máy của toàn tỉnh đạt 1.780 héc-ta; đến vụ xuân 2023, toàn tỉnh Hưng Yêncó hơn 2.500 héc-ta được cấy bằng máy. Việc ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, lúa cấy bằng máy có mật độ cây lúa đồng đều, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường; năng suất lúa tăng 10 - 15% so với cấy bằng tay. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các địa phương quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ.
Hưng Yên đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp |
Đối với khâu thu hoạch lúa, Hưng Yên hiện có 627 máy gặt lúa các loại, mức độ cơ giới hoá trong thu hoạch lúa đạt 96,5%. Việc sử dụng phổ biến các loại máy gặt đập liên hợp giúp cho khâu thu hoạch lúa bảo đảm thời vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng và giảm đáng kể tổn thất, hao hụt. Cùng với đó, khâu vận chuyển nông sản được phát triển mạnh, phương tiện vận tải ở nông thôn không ngừng tăng lên và góp phần tích cực vào việc giảm bớt lao động nặng nhọc cho người lao động nông nghiệp, giải quyết tốt việc vận chuyển nông sản trong thời vụ.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hưng Yên, thực hiện chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay đạt hiệu quả cao trong cả 3 lĩnh vực gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trong lĩnh vực trồng trọt, khâu làm đất cơ bản được cơ giới hóa, đạt tỷ lệ trên 93,5%, trong đó tỷ lệ cơ giới hóa cây lúa đạt khoảng 99,8%; cây rau, đậu đạt 91,3%... Cơ giới trong gieo cấy lúa đạt tỷ lệ 19,3%, gieo trồng rau màu đạt tỷ lệ 4,6%; khâu tưới, tiêu nước đạt 90,5%; khâu thu hoạch chủ yếu áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, đạt tỷ lệ 96,5%.
Trong chăn nuôi lợn, tỷ lệ cơ giới hóa khâu cho ăn đạt 55,3%, khâu nước uống đạt 73,8%; chăn nuôi gia cầm, tỷ lệ cơ giới hóa khâu cho ăn, nước uống đạt 64%; xử lý chất thải chăn nuôi lợn, gà bằng hầm biogas đạt 84,7%, đệm lót sinh học đạt 55,7%. Lĩnh vực thủy sản chủ yếu áp dụng cơ giới hóa với máy khuấy tạo oxy đạt 45%, thiết bị nghiền, trộn thức ăn đạt 37%.
Lĩnh vực thủy sản chủ yếu áp dụng cơ giới hóa với máy khuấy tạo oxy đạt 45% |
Thực hiện Dự án đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, trong các năm 2021, 2022, ngành NN&PTNT tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng để mua sắm máy móc, thiết bị cơ giới hóa như máy làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô; máy kéo, động cơ diezen sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; khai thác, nuôi thả thủy sản... Trong năm 2021, có 41 khách hàng vay với tổng số vốn trên 8 tỷ đồng, mức lãi suất hỗ trợ là 589 triệu đồng. Chi cục PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ cho 29 hộ mua máy phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, trong đó hỗ trợ 10 hộ mua máy gặt đập liên hợp, 12 hộ mua máy làm đất, 5 hộ mua máy cấy, 2 hộ mua máy lọc phân hữu cơ.
Năm 2022, toàn tỉnh Hưng Yên có 13 đơn vị, cá nhân được tạo điều kiện vay vốn hơn 4 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 206 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ cho 33 hộ mua máy phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, trong đó hỗ trợ 25 hộ mua máy gặt đập liên hợp, 6 hộ mua máy làm đất, 1 hộ mua máy cấy, 1 hộ mua máy cuộn rơm.
Để tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời, thực hiện có hiệu quả Dự án đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị, nông hộ lập hồ sơ mua sắm máy móc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các tổ chức tín dụng hướng dẫn vay vốn ưu đãi để mua sắm máy, thiết bị… nhằm đẩy nhanh tỷ lệ áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.