Hải Phòng phấn đấu có thêm nhiều sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia Kon Tum đẩy mạnh, phát triển sản phẩm OCOP Cơ cấu sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định |
Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid, hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm của nhiều cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng đáng kể. Thương mại điện tử được coi là một hướng đi “cứu cánh” cho sản phẩm.
Thực tế, việc chuyển đổi số cũng là một bước đi thiết yếu cho các cơ sở sản xuất trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như ngày nay. Tuy vậy, việc chuyển đổi số cho các sản phẩm OCOP nhìn chung chưa hoàn thiện, chưa đạt kết quả đáng kể.
![]() |
Hình ảnh một số sản phẩm OCOP của tỉnh Trà Vinh trên trang thương mại điện tử voso.vn |
Theo số liệu được công bố tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 vào tháng 03/2021, cả nước có 4.469 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên.
Tuy vậy, tra cứu sơ bộ trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Voso, Postmart, Sendo, Lazada, Shopee, Tiki… có thể nhận thấy số sản phẩm được giới thiệu là sản phẩm OCOP không vượt quá 600 sản phẩm. Số sản phẩm có đăng tải đầy đủ thông tin chứng thực thậm chí còn ít hơn thế.
Điều này cũng do đặc thù của các sản phẩm OCOP đạt chuẩn có tới 80% là thuộc nhóm ngành thực phẩm, đa phần có điều kiện bảo quản và phân phối đặc thù, như bảo quản lạnh hoặc phải thu hoạch và phân phối trong vòng 12-48h để đảm bảo chất lượng…, do đó các sàn thương mại điện tử chưa có các phương thức hỗ trợ hợp lý và đồng nhất.
Nhiều sàn thương mại điện tử cũng đã và đang dần hợp tác với các địa phương, các chủ thể sản xuất để đưa ra các chính sách vận chuyển và bảo quản hợp lý đối với các sản phẩm OCOP. Liên kết với địa phương để thực hiện các chương trình giới thiệu, tập huấn, các lưu ý cho các chủ thể về việc thu hoạch, đóng gói và bảo quản phù hợp để sản phẩm nhanh chóng được tiếp nhận và vận chuyển. Tiêu biểu trong hoạt động hỗ trợ quảng bá và vận chuyển nông sản, sản phẩm OCOP có thể kể đến như các sàn Voso, Postmart, Sendo.
![]() |
Hình ảnh về chương trình Ngày hội livestream sản phẩm OCOP Hà Nội |
Cũng nhằm chủ động trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm, các sở, ban ngành tại các địa phương đều khuyến khích các chủ thể sản xuất tìm hướng tiêu thụ mới cho sản phẩm, trọng điểm là chuyển đổi số cho các chủ thể, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ có thể kể đến như: tổ chức hội chợ trực tuyến, ngày hội livestream giới thiệu sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh tin xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok…
Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo các chủ thể về chuyển đổi số cho sản phẩm cũng được các địa phương tích cực tổ chức. Vừa qua, ngày 8/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyển đổi số trong nông nghiệp và đưa nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Quảng Nam, Thái Nguyên… cũng xác định nội dung chuyển đổi số cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP là trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, để bắt kịp xu thế thị trường.
![]() |
Tỉnh Hà Tĩnh xây dựng chuyên trang giới thiệu sản phẩm |
Nằm trong nỗ lực đưa sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, một số sàn cũng chủ động kết hợp với địa phương để hỗ trợ các chủ thể sản xuất, như Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản Nam Định (Sở NNPTNT Nam Định) đã phối hợp với Chi nhánh Bưu Chính Viettel Nam Định (Tổng Công ty Cổ phần Bưu Chính Viettel) đưa 40 sản phẩm nông sản của Nam Định lên sàn thương mại điện tử voso.vn.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thị trường. Các chủ thể do đó cần nhanh chóng nắm bắt được những thông tin và kỹ năng để đưa sản phẩm của mình lên các kênh thương mại điện tử, tận dụng sự phát triển của thị trường để đưa sản phẩm gần hơn tới tay người tiêu dùng, qua đó nâng cao năng lực tiêu thụ cho cơ sở mình.