Hoàng Su Phì là huyện vùng cao phía Tây của Hà Giang. Do đặc điểm tự nhiên chủ yếu là các đồi núi cao, địa hình chia cắt mạnh nên người dân Hoàng Su Phì chỉ canh tác lúa một vụ trên các thửa ruộng bậc thang vì phải lệ thuộc vào nước trời (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, thời gian còn lại là trồng ngô và rau màu).
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Su Phì, diện tích lúa canh tác hàng năm của huyện đạt gần 3 nghìn ha. Trong những năm gần đây, người nông dân đã tự phát triển và nhân rộng mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa và đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Ngoài thu nhập bình quân từ 4 - 5 tấn thóc/ha, người dân còn có thêm nguồn thu nhập từ nguồn cá chép nuôi trong ruộng từ 80 - 100 kg/ha/vụ; với giá bán cá bình quân 100 nghìn đồng/kg đã mang lại nguồn thu từ 8 - 10 triệu đồng/ha lúa/vụ.
Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng
Mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá đang là một hướng đi mang tính bền vững của các hộ nuôi trồng thủy sản trong xã. Xét trên nhiều phương diện thì lợi ích mang lại từ mô hình này đã giúp cho việc giảm sâu bệnh hại lúa, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại cho môi trường, giảm chi phí thức ăn từ việc nuôi cá. Nuôi cá trong ruộng lúa còn giúp người nông dân giảm được chi phí làm cỏ, chí phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư thức ăn cho cá. Bởi vì, cá - lúa có mối quan hệ cộng sinh với nhau, cùng sống trong ruộng lúa nhưng không có sự cạnh tranh về thức ăn, ngược lại có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, thóc rụng, sâu bọ, các loài động vật sống trong ruộng lúa để làm thức ăn cho cá nên người nông dân có thể tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá. Ngược lại, các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm chi phí làm đất. Kết hợp nuôi cá trong ruộng lúa còn tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân trong mùa vụ, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, cải thiện đời sống và góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Cá chép nuôi trong ruộng lúa của người dân Hoàng Su Phì là giống cá địa phương có trọng lượng nhỏ, từ 0,45 - 0,6 kg/con nhưng lại có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao, bình quân 100 nghìn đồng/kg. Khi lúa đến giai đoạn đẻ nhánh (khoảng trung tuần tháng 5) là thời gian người dân tiến hành thả cá giống vào ruộng lúa (cá giống có trọng lượng từ 0,1 - 0,15 kg/con). Sau thời gian từ 3,5 - 4 tháng, là thời kỳ lúa bước vào chín đỏ đuôi, người dân tiến hành tháo nước ruộng và thu hoạch cá trước khi thu hoạch lúa.
Người dân huyện Hoàng Su Phì thu hoạch cá chép trong ruộng lúa
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa được đồng bào các dân tộc Nùng, Mông, Dao, Na Chí… phát triển mạnh trong vụ lúa mùa sớm (còn gọi là lúa hè thu). Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa được tập trung phát triển mạnh tại các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Nam Sơn, Nậm Khoa…Sau khi thu hoạch lúa mùa sớm, người dân thường nuôi dưỡng cá qua đông tại các ao, hồ của gia đình để tạo nguồn cá giống cho vụ lúa mùa của năm sau.
Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Nuôi cá Chép xen lúa là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, thóc rụng, sâu bọ, các loài động vật sống trong ruộng lúa để làm thức ăn cho cá, nên người nông dân có thể tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá. Ngược lại, các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm chi phí làm đất. Cá nuôi trong ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá... Đây là mô hình hiệu quả, vừa tốn ít vốn vừa tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác và hạn chế được thuốc hóa học, làm giảm ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mặc dù mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá đang là một hướng đi mang tính bền vững, góp phần đáng kể trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc nuôi cá Chép ruộng vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, năng suất chưa cao; chưa chủ động được nguồn cung cấp con giống...
Để mô hình nuôi cá trong ruộng lúa đạt hiệu quả cao, thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì cần tăng cường công tác quản lý giống và áp dụng các biện pháp Khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất cá - lúa xen canh tăng cao; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi cá trong ruộng lúa mang lại hiệu quả; có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cung ứng con giống, kỹ thuật cho người dân; các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá đến từng thôn, bản và hộ dân. Có như vậy, phong trào nuôi cá Chép ruộng ở Hoàng Su Phì mới thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Khánh Hòa