LTS: Đất đai là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn nội lực, nguồn vốn to lớn của đất nước, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng; có ý nghĩa kinh tế, xã hội sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới góc độ khoa học các sản phẩm thiên nhiên thì việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai phải đúng mục đích, triệt để tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái để phát huy tối đa nguồn lực của đất đai và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, do đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai giữ một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay có không ít dự án đang có dấu hiệu quản lý, khai thác và sử dụng đất không đúng với các quy định về Luật đất đai và Luật đầu tư đang có hiệu lực thi hành. Việc hàng loạt công trình có dấu hiệu xây dựng không phép, biến tướng, kinh doanh trục lợi cá nhân tại Dự án “Cụm làng nghề sản xuất tập trung Bát Tràng” là một ví dụ. |
Vị trí được quy hoạch trồng cây xanh nhưng lại được UBND huyện Gia Lâm "biến tướng" chia nhỏ cho thuê để xây dựng các nhà xưởng, ki-ot... |
Đất xây làng nghề được “hô biến” thành quán bia, biệt thự
Vừa qua, Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm (TH&SP) nhận được đơn thư của bạn đọc phản ánh về việc trên diện tích thuộc Dự án làng nghề Bát Tràng - Cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng đang tồn tại hàng loạt công trình xây dựng không phép, biến tướng, kinh doanh trục lợi cá nhân.
Được biết, Dự án “Cụm làng nghề sản xuất tập trung Bát Tràng” (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) được UBND TP Hà Nội Phê duyệt tại Quyết định số 2417/QĐ-UBND ngày 6/11/2003 với mục đích phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo quy chế đấu giá đất cụm làng nghệ sản xuất tập trung Bát Tràng có quyền sử dụng đất là 50 năm. Dự án này là tập hợp các đơn vị, hộ gia đình tham gia sản xuất gốm sứ được tập trung vào cùng một khu vực được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và sắp xếp theo quy hoạch.
Theo thông tin bạn đọc cung cấp, đã gần 20 năm dự án đi vào hoạt động, nhưng tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích đã và đang diễn ra ngang nhiên. Việc “hô biến” những khu sản xuất thành nhà ở, quán bia, nhà vườn là tình trạng diễn ra phổ biến trong Cụm sản xuất làng nghề Bát Tràng.
Đơn thư của người dân |
“Trước đây đã xảy ra việc nhà ở “mọc” trên quỹ đất trồng cây xanh. Theo đó, Ban quản lý Cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng đã móc nối “đi đêm” với vài hộ gia đình biến những khu đất dành cho cây xanh thành nhà ở. Gần 01 tháng nay UBND huyện Gia Lâm lại cho phép các cá nhân xây dựng dưới hình thức cho thuê và thu tiền 1 năm”, nội dung đơn thư nêu.
Từ thực trạng trên người dân cho rằng, UBND huyện Gia Lâm đã tự ý thay đổi quy hoạch, tự ý cho thuê mà không báo cáo UBND TP Hà Nội (?).
Ngày 20/12/2019 UBND TP Hà Nội có quyết định số 7200/QĐ-UBND về việc trúng thầu thực hiện “Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng” với tổng diện tích là 1.381m2 được ký hiệu là P1,P2,P3,P4. Tuy nhiên đơn vị trúng thầu là Công ty CP Thương mại dịch vụ Minh Hải (Long Biên) đã không thực hiện dự án đúng theo yêu cầu. Hiện nay, các điểm đỗ xe P1,P2,P3,P4 đã được bán cho vài hộ gia đình, các hộ này đang thực hiện xây dựng trên đất bãi xe.
Vị trí quy hoạch làm bãi xe tĩnh nhưng lại được xây ki-ot nhằm mục đích cho thuê? |
Ghi nhận thực tế của Phóng viên (PV) Thương hiệu & Sản phẩm, hiện trên khu đất được cho là hành lang cây xanh đang tồn tại một dãy nhà xưởng lớn. Còn tại điểm đỗ xe theo quy hoạch thuộc quản lý của Công ty CP Thương mại dịch vụ Minh Hải lại xuất hiện các công trình riêng lẻ. Theo quan sát, nhà ở của các hộ dân tại đây cũng xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm gần hết vỉa hè, ăn sát ra mặt đường.
Theo quan sát của PV, tại vị trí quy hoạch để xây dựng khu trưng bày sản phẩm gốm Bát Tràng, phục vụ mục đích phát triển làng nghề thì lại đang “sừng sững” nhiều căn biệt thự lớn.
Trách nhiệm người đứng đầu?
Vị trí theo quy hoạch để xây dựng khu trưng bày sản phẩm gốm Bát Tràng nhưng lại đang mọc “sừng sững” căn biệt thự lớn. |
Ngày 17/6, PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Huy Khôi – Chủ tịch UBND xã Bát Tràng. Tại buổi làm việc, PV có đặt câu hỏi liên quan đến nội dung phản ánh và cho ông Khôi xem hình ảnh ghi nhận thực tế tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng, ông Chủ tịch xã Bát Tràng đã thừa nhận những sai phạm trên và cho biết đây là sai phạm từ thời kỳ trước.
Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ thì ông Khôi không thể cung cấp và hẹn làm việc một hôm khác. Từ buổi làm việc (ngày 17/6) đến nay đã 20 ngày trôi qua, dù PV nhiều lần liên hệ nhưng vị này đều báo bận.
Còn phía UBND huyện Gia Lâm, đã hơn 01 tháng kể từ khi PV liên hệ đặt lịch làm việc UBND huyện Gia Lâm vẫn chưa có thông tin phản hồi báo chí.
Ngoài việc đặt lịch theo đúng trình tự, Phóng viên cũng đã liên hệ qua điện thoại, nhắn tin nội dung làm việc gửi ông Trương Văn Học – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, nhưng cho đến ngày hôm nay (8/7/2021) kết quả PV nhận được chỉ là sự “im lặng” từ phía UBND huyện Gia Lâm.
Những năm qua, các công trình có dấu hiệu sai phạm, lấn chiếm đất dự án vẫn ngang nhiên được xây dựng và hoạt động. Nơi vốn dĩ được quy hoạch để phát triển sản xuất sản phẩm gốm Bát Tràng lại biến tướng thành nhà xưởng, biệt thự, hàng quán. Chủ của những công trình này đang không hiểu nên làm trái luật hay đã được cơ quan chức năng huyện Gia Lâm, UBND xã Bát Tràng “bật đèn xanh”?
Để đảm bảo việc quỹ đất dự án phải được sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát tài nguyên đất, ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm hòng trục lợi cá nhân, gây bức xúc dư luận kính đề nghị UBND TP Hà Nội cùng các Sở, ban ngành liên quan sớm vào cuộc, kiểm tra và quyết liệt xử lý nếu phát hiện sai phạm.