Sống chung với bụi
Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm (TH&SP) tiếp nhận phản ánh của người dân tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) về việc nhiều năm qua người dân tại đây phải sống chung với khói bụi xuất phát từ các trạm trộn bê tông thuộc khu vực đất do Công ty Nam Sơn quản lý. Theo người dân, những trạm trộn này hoạt động bất kể ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng chục hộ gia đình.
Theo tìm hiểu của phóng viên TH&SP, trạm trộn bê tông của Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển Việt Tiệp (Công ty Việt Tiệp) nằm trên diện tích đất do Công ty Nam Sơn quản lý tại thôn Thượng (xã Đông Dư).
Trạm trộn bê tông Việt Tiệp tại thôn Thượng, xã Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội |
Được biết, khu vực lắp đặt trạm trộn trên trước đây là bến đò Đông Dư cũ nằm bên bờ sông Hồng, một nơi tập kết cát, vật liệu xây dựng. Sau đó Công ty Nam Sơn thuê lại của UBND TP Hà Nội và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lắp đặt các trạm trộn bê tông và thành lập bến bãi. Đáng nói, khu vực trạm trộn chỉ cách nhà dân, cách đê Bát Tràng – Long Biên chỉ vài trăm mét.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực trạm trộn bê tông của Công ty Việt Tiệp, xe vận chuyển bê tông hoạt động tấp nập cả ngày và đêm. Theo phản ánh của người dân, từ khi trạm trộn bê tông được lắp đặt xây dựng không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn ảnh hưởng mà còn tác động trực tiếp đến kinh tế của bà con nơi đây.
Người dân xã Đông Dư chia sẻ: “Từ khi các trạm trộn này đi vào hoạt động các xe bồn, xe chở cát chay tấp nập gây ồn, bụi lắm! Chúng tôi nhiều lần khiếu nại, có ý kiến lên cả xã, huyện tại các cuộc họp cử chi. Sau đó không hiểu họ mời quan trắc môi trường không biết ở đâu về và đưa ra kết luận nói trong ngưỡng cho phép, không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Do người dân không hiểu biết về chuyên môn nên đành sống trong cảnh ngậm đắng nuốt cay trong thời gian dài.”
Khói bụi trắng xóa tại trạm trộn bê tông Việt Tiệp |
Người dân cho biết, các trạm trộn tại đây đã đi vào hoạt động được một thời gian dài. Ảnh hưởng là vậy nhưng khoảng 5,6 năm gần đây do người dân ý kiến nhiều quá nên mới nhận đươc hỗ trợ từ phía công ty nhưng không đáng kể.
Người đàn ông tên H (sống tại xã Đông Dư) bức xúc: “Bụi lắm cháu ạ! Chú đi làm toàn phải đeo khẩu trang, đến cây cối cũng chết vì bụi”.
Thực tế ghi nhận, xung quanh khu vực trạm trộn bụi phủ trắng xóa cây cối, nhiều cây bị chết rũ. Hàng ngày các xe trọng tải lớn, xe bồn bê tông hoạt động rầm rộ đã kéo theo bụi bẩn ra khu vực dân cư khiến người dân phải “sống chung với ô nhiễm”.
Xe vận chuyển, trộn bê tông di chuyển gây ảnh hưởng đến người dân và giao thông. |
Theo phản ánh, không chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường, trạm trộn bê tông của Công ty Việt Tiệp còn sử dụng trực tiếp nguồn nước sông để tiến hành chế biến bê tông thương phẩm. Chưa kể tới nắp trạm trộn còn đặt trên hành lang thoát lũ, gây ảnh hưởng tới đê điều. Trong khi đó, Điều 20 Nghị định 104/2017/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/11/2017) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều nêu rõ: Phá hoại đê điều, gây tổn hại tới công tác phòng chống thiên tai có thể bị xử phạt tới mức cao nhất là 100 triệu đồng.
Câu trả lời “dửng dưng”
Để tìm hiểu về việc cấp phép và quản lý hoạt động của các trạm trộn bê tông, PV đã có buổi làm việc với ông Lê Xuân Thùy - Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn và Quản lý trạm trộn bê tông Việt Tiệp.
Các vị này cho biết: “Chúng tôi có đầy đủ hồ sơ giấy tờ cấp phép xây dựng và có quan trắc định kì 6 tháng, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Toàn bộ giấy tờ, hồ sơ thủ tục cấp phép và hồ sơ liên quan đến bảo vệ môi trường các anh có thể liên hệ đến cơ quan chức năng để làm rõ”.
Giám đốc Lê Xuân Thùy cho rằng: Người dân thì bảo ô nhiễm môi trường thì ở đây hoàn toàn không thể. Các trạm làm bể tuần hoàn rồi cho nên nước thải không chảy ra sông, còn về ô nhiễm môi trường thì có thể có bụi ở đường đi.
Theo ông Thùy, đến trong nội thành còn bụi, nhất là ở Việt Nam đang ở cái giai đoạn quá độ, chỗ nào cũng bụi, chả có chỗ nào không bụi cả, đến cả trong nội thành đứng chờ đèn xanh nó cũng bụi. Giao thông thì không thể tránh được khỏi việc có bụi bậm nó dính ở lốp xe rồi nó đi chỗ nọ chỗ kia, chỗ nào cũng có. Cho nên là người dân chỗ nào cũng kêu. Ở đây thì hàng ngày cứ thấy bụi là tưới nước, cứ thấy xe chạy bụi là tưới. “Xe của mình, nước ở dưới sông kia, máy múc đổ lên xe xong chạy ra tưới vèo phát ấy mà” – ông Thùy nói.
Xe vận chuyển, trộn bê tông gây ô nhiễm bụi (ảnh cắt từ video) |
Được biết, trong khuôn viên đất của Công ty Nam Sơn còn mọc lên các trạm trộn của Công ty bê tông miền Bắc, Công ty bê tông & Asphalt 656 nhưng tồn tại dấu hiệu buông lỏng quản lý, để hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Phóng viên cũng đặt lịch làm việc tại UBND xã Đông Dư cùng các cơ quan ban, ngành huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, nhiều lần liên hệ đều bị từ chối với lý do dịch COVID-19 . Phải chăng UBND xã Đông Dư đang dựa vào lí do dịch bệnh để né tránh báo chí? Dư luận đặt ra nghi vấn có hay không sự làm ngơ của chính quyền địa phương cho các trạm trộn bê tông này?