Những điểm đến không thể bỏ qua khi đi du lịch Điện Biên Đưa huyện Ðiện Biên trở thành vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm Hạt mắc ca Tuần Giáo "đi muôn nơi" |
Khoai lang là cây trồng chủ lục mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân huyện Điện Biên. |
Sau hơn 4 tháng xuống giống và chăm sóc, gia đình bà Bùi Thị Tấn, thôn Đông Biên 1, xã Thanh An, huyện Điện Biên đã được thu hoạch khoai lang. Những củ khoai lang to và mỡ là kết quả xứng đáng cho công sức gia đình bà Tấn đã bỏ ra. Chất lượng khoai tốt cùng với thương hiệu “khoai lang Thanh An” nổi tiếng bấy lâu đã giúp khoai lang của gia đình bà Tấn và người dân trong xã tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm khoai lang đã mở ra cho nhân dân xã Thanh An nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, tăng nguồn thu nhập.
Gia đình ông Bùi Văn Hiệp, thôn Đồi Cao, xã Thanh An cũng đang hối hả thu hoạch khoai lang. Trồng 3.000m2 khoai lang và mới thu hoạch được 500m2 nhưng ông Hiệp đánh giá năng suất khoai đạt khoảng 1,2 - 1,3 tấn/1.000m2. Với giá bán bình quân 14 nghìn đồng/kg khoai lang sẽ cho gia đình ông thu nhập trên 50 triệu đồng. So với trồng lúa và các loại rau màu khác trên cùng diện tích, trồng khoai lang cho năng suất và thu nhập cao hơn.
Còn tại bản On, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, gia đình chị Lò Thị Xiến mấy ngày nay cả nhà tập trung thu hoạch hơn 4.000m2 khoai lang vụ Đông Xuân. Với giá bán hiện tại dao động từ 8.000-14.000 đồng/kg, mùa khoai lang này gia đình thu nhập từ 15-20 triệu đồng.
“Gia đình trồng khoai đã được 10 năm và giá thành rất ổn. So với lúa, trồng khoai cho thu nhập nhiều hơn. Thu hoạch khoai xong là có khách đến cân tại ruộng”, chị Xiến kể.
Dựa trên lợi thế thương hiệu “khoai lang Thanh An” được nhiều người tiêu dùng biết đến cũng như có sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay hầu hết người dân các thôn: Đồi Cao, Đông Biên 1, 2, 3 và bản: Chiềng Chung, Hồng Khoong, Chiềng An, Sáng… đều trồng khoai lang cho vụ Đông.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, người dân xã Thanh An đã mở rộng diện tích trồng khoai lang lên đến 35ha. Thời điểm này, trên các bãi ruộng, bà con trong xã tấp nập thu hoạch khoai, cung cấp ra thị trường. Dù mới bước vào đầu mùa, song vụ khoai năm nay được đánh giá vừa được mùa, vừa được giá và hứa hẹn một vụ khoai bội thu, cho thu nhập cao.
Cây khoai lang đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thanh An. Thế nhưng để thương hiệu “khoai lang Thanh An” có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân cần chung tay phát triển khoai lang thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương. Cùng với đó áp dụng khoa học kỹ thuật để cây khoai lang cho năng suất, sản lượng cao; tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho khoai lang Thanh An.
Điện Biên: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới |
Chỉ trồng thanh long, nông dân Điện Biên cũng có thu nhập 150 triệu đồng mỗi năm |
Hạt mắc ca Tuần Giáo "đi muôn nơi" |