Thanh long trồng chủ yếu để lấy quả |
Thanh long là một loài cây được trồng chủ yếu để lấy quả và cũng là tên của một vài chi của họ xương rồng. thanh long là loài thực vật bản địa tại Mexico, các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, loài cây này cũng được trồng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia (đặc biệt là ở miền tây đảo Java); miền nam Trung Quốc, Đài Loan và một số khu vực khác.
Tại Việt Nam gọi là thanh long, tên tiếng Anh là Pitahaya hay còn gọi là Dragon fruit. Thanh long được trồng tương đối tập trung trên quy mô thương mại với diện tích khoảng 2000 ha trong đó Bình Thuận chiếm 1.000 ha. Cây thanh long chịu hạn giỏi nên được trồng ở những vùng nóng. Đặc biệt cây thanh long có hiện tượng rụng nụ, cây này có vòng chín 3 lần. Từ xanh sang đỏ, từ đỏ sang xanh, từ xanh sang đỏ sậm đến lần chín thứ 3 là lần chín cuối cùng và là lần ngon nhất của trái. Làm vậy thì hơi mất công sức cho nên nhà vườn chỉ để chín lần 2 là bán ra thị trường.
Quả của nó 3 dạng, tất cả đều có vỏ giống như da và có một chút lá, đó là: Ruột trắng với vỏ hồng hay đỏ, ruột đỏ với vỏ hồng hay đỏ và ruột trắng với vỏ vàng.
Bắt đầu trồng thanh long từ cách đây 10 năm, giờ đây gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở đội 10, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã sở hữu vườn cây thanh long rộng hơn 7.000m2 là nguồn thu nhập chính của gia đình chị.
Chị Hương chia sẻ: Thanh long là loài cây dễ trồng, không phải chăm bón nhiều, cây cũng ít bị nhiễm sâu bệnh, chỉ đảm bảo phân bón theo định kỳ. Quá trình chăm sóc lưu ý bệnh mắt cua và các loài côn trùng như ong bướm, ốc sên phá hại. Dù là loài cây chịu hạn giỏi, nhưng nếu nắng nóng kéo dài sẽ khiến cây mất nước, giảm năng suất quả. Do đó cần coi trọng việc cung cấp đủ lượng nước cho cây phát triển đều, cho quả mọng. Để thuận tiện cho việc chăm sóc cây, chị Hương đầu tư lắp hệ thống gồm 120 vòi tưới tự động quanh vườn.
Theo kinh nghiệm của chị Hương, sau 3 lần cây thanh long ra quả nên tỉa nhánh cây một lần để loại bỏ những nhánh già cỗi, không còn khả năng cho quả, cây sẽ tập trung dinh dưỡng sinh ra nhánh mới, khỏe mạnh, dày hơn cho năng suất cao và quả to hơn vào những vụ thu hoạch sau. Toàn bộ số cành tỉa ra đều được tận dụng để tạo thêm nguồn phân bón cho cây bằng cách dùng máy xén nhỏ, ủ cùng men và vôi trong khoảng 1 - 2 tháng rồi bón gốc. Ngoài tận dụng nguồn phân bón tự nhiên này, định kỳ bón thêm kali, phân NPK và phân chuồng.
Vì loại thanh long ruột đỏ được thị trường ưa chuộng và có giá cao hơn nên gia đình chị Hương tập trung trồng giống này. Hiện nay, vườn nhà chị có khoảng 700 trụ thanh long, mỗi trụ cách nhau từ 2,5 - 3m. Trong đó có tới 500 gốc là giống ruột đỏ. Do vườn cây rộng nên mỗi khi đến mùa vụ thu hoạch nhà chị Hương phải thuê thêm 2 - 3 nhân công là người dân địa phương thu hái và tỉa cành.
Để có cây giống thanh long ruột đỏ chuẩn, chồng chị Hương đã về tận Ba Vì lấy giống lên. So với thanh long trắng, cành cây thanh long ruột đỏ giòn và dễ gãy hơn. Ruột không chắc như quả ruột trắng nên dễ bị hỏng. Vỏ cũng dễ bị dập, khó khăn khi vận chuyển. Tuy nhiên thanh long ruột đỏ có vị ngọt đậm, màu sắc bắt mắt hơn nên có ưu thế thị trường hơn so với ruột trắng.
Chị Hương cho biết: Cách đây vài năm thanh long được giá hơn bây giờ. Nếu trước giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg thì nay chỉ được khoảng 20.000 đồng/kg. Nhờ kỹ thuật chăm sóc hợp lý nên vườn thanh long của gia đình chị Hương đều cho năng suất cao. Nếu thời tiết thuận lợi và biết cách chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật thì có thể đạt 20kg/gốc/vụ.
Trung bình mỗi vụ cho từ 15 - 18 tấn quả, trừ chi phí cho nguồn thu khoảng 150 triệu đồng mỗi năm. Để đảm bảo đầu ra, vợ chồng chị Hương giữ mối ổn định với một số cửa hàng hoa quả lớn tại khu vực trung tâm TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, còn lại đóng hộp chuyển về Quảng Ninh và Hà Nội bán. Yêu cầu của thị trường này khá cao, để được giá ngoài đảm bảo vị ngọt, quả phải có mẫu mã đẹp, vỏ nhẵn, bóng, sắc đỏ.