Xuất khẩu tôm sang Mỹ, Trung Quốc khả quan 2 tháng cuối năm Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc giảm 3 tháng liên tiếp Xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD trong năm 2024 |
Cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2024
Bà Trần Thụy Quế Phương phát biểu tại hội nghị. |
Sáng 23/2, tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024. Tại hội nghị, bà Trần Thụy Quế Phương - chánh văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đã đưa ra những nhận định về thách thức, cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2024.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 100 thị trường và nằm trong Top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia về xuất khẩu. Tôm Việt Nam chiếm vị trí nhất định tại các thị trường chính. Cụ thể, đứng thứ tư tại thị trường Hoa Kỳ; đứng thứ thứ 3 tại thị trường Trung Quốc; đứng thứ 2 tại thị trường EU; thứ nhất tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.
Nói về những thách thức đối với ngành hàng này trong năm 2024, bà Trần Thụy Quế Phương cho hay, chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn cạnh tranh về giá với các nước Ecudor và Ấn độ. Việc sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp cấp trong thời gian tới.
Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam được nhận định sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10 - 15% trong năm 2024 bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.
Về thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc được nhận định sẽ tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40 - 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Do những ảnh hưởng của biến động do xung đột chính trị, những biến động ở Trung Đông dẫn đến chi phí vận chuyển cao nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sẽ là lợi thế. Ngoài ra, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại Việt Nam giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).
Mặt khác, hiện tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Các cơ sở trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất,… Đây là những khó khăn mà ngành hàng này đang phải đối mặt.
Theo thống kê của Cục Thủy sản, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến đạt 4 - 4,3 tỷ USD trong năm 2024. Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu tiếp tục tăng khoảng 4,8% trong năm 2024. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.
Giảm rủi ro trong nuôi tôm sẽ giảm giá thành sản xuất
Năm 2023 rất khó khăn, việc xuất khẩu nông sản nói chung, ngành tôm nói riêng có sụt giảm (khoảng 21%). |
Tại hội nghị, ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết nằm trong nhóm "câu lạc bộ tỉ USD" (xuất khẩu tôm trên 1 tỉ USD) trong nhiều năm nhưng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau chỉ đạt hơn 900 triệu USD.
Từ đó cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau thời gian gần đây bấp bênh, chậm. Nguyên nhân là do diện tích nuôi tôm phổ biến ở Cà Mau là nhỏ lẻ, tình hình nuôi còn mang tính tự phát, chưa liên kết, khó ứng dụng khoa học công nghệ, dẫn tới năng suất thấp, hiệu quả chưa cao so với các địa phương khác. Ông Sử cho rằng vấn đề giá thành hiện nay là vấn đề lớn của ngành tôm, nếu không có biện pháp trước mắt và lâu dài khắc phục thì khó khăn còn phải đối mặt trong năm 2024 và trong thời gian tới.
"Theo tôi, khả năng đóng góp lớn vào việc giảm giá thành nằm ở khâu tổ chức sản xuất của chúng ta. Liên kết chuỗi cũng là một phần, nhưng chúng ta không hy vọng nhiều lắm, mà vấn đề ở kỹ thuật nuôi. Nếu nuôi thâm canh và siêu thâm canh mà để tỉ lệ rủi ro (tôm chết trong quá trình nuôi) như hiện nay thì chi phí cũng khó. Cơ quan chuyên môn, các viện trường cần tập trung hỗ trợ địa phương sớm tìm kiếm giải pháp kỹ thuật cho các mô hình nuôi, giảm tỉ lệ rủi ro, đặc biệt cho mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Chỉ có kéo tỉ lệ rủi ro này xuống thì mới hy vọng giá thành giảm", ông Sử chia sẻ.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2023 rất khó khăn, việc xuất khẩu nông sản nói chung, ngành tôm nói riêng có sụt giảm (khoảng 21%). Bước sang năm 2024, hết tháng 1, chúng ta xuất khẩu 5,14 tỷ USD nông sản, tăng 79,2%, trong đó tôm tăng gần 65%. Đây là dấu hiệu tích cực cho năm nay. Với diện tích khoảng 740.000ha nuôi tôm, sản lượng hơn 1,12 triệu tấn, chúng ta hy vọng có sản lượng tăng, giá trị xuất khẩu cũng cao hơn.
Để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, ông Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương chú ý đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, các địa phương, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh. Cùng đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2023 đạt 737.000ha, cơ bản không tăng so với năm 2022. Sản lượng đạt 1,12 triệu tấn (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022), tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,45 tỉ USD, giảm 19,8% so với năm 2022. Kế hoạch năm 2024 diện tích nuôi tôm tương đương năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đặt mục tiêu đạt mức 4 - 4,3 tỉ USD. |