Điện Biên: Lấy ý kiến đầu tư dự án trồng cây Mắc ca xen Đàn hương và dược liệu Điện Biên: Kiểm tra 22 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP Điện Biên: Phát triển du lịch theo hình thức homestay |
Đến Điện Biên, ngoài chiêm ngưỡng những di tích lịch sử một thời, những nét văn hóa đặc trưng vùng cao, du khách còn có dịp thỏa mãn vị giác của mình với những đặc sản nổi tiếng. Từ những bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã đem đến cho chúng ta nhiều món ngon hấp dẫn. Có thể thấy những món ăn này đã góp phần làm phong phú thêm ẩm thực đất nước Việt Nam.
Xôi nếp nương Điện Biên
Người xưa có câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” với ý ngợi ca giống gạo thơm ngon, dẻo mềm từ cánh đồng Mường Thanh rộng lớn bạt ngàn xứ Tây Bắc. Tuy gieo trồng giống lúa không khác biệt mấy so với vùng đồng bằng nhưng gạo tại Điện Biên được đánh giá là dẻo thơm, trắng bóng và đậm đà hơn hẳn.
Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Cách đồ xôi nếp nương công phu hơn nếp trồng ruộng nước. Xôi phải được đồ trong một cái chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc Thái, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Phải ngâm nếp trong nhiều giờ liền thì khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều.
![]() |
Nếp nương là một trong những loại nếp đặc trưng ở các tỉnh Tây Bắc, nhưng nếu nói tới loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến Điện Biên |
Người dân tộc Thái thường dùng xôi nếp nương chung với cá nướng, thịt lợn nướng… Cá nướng được tẩm ướp cùng với hạt mắc khén (một loại gia vị đặc trưng có vị cay và rất thơm) cùng với ớt, sả, gừng, rồi nướng bằng hơi nóng lửa than hồng cho đến khi chín vàng mới đúng hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Khách du lịch khi ghé Điện Biên thường mua những cái ếp xôi nóng hổi của người dân tộc Thái để mang đi đường ăn cho ấm bụng. Trong cái se se lạnh của vùng núi Tây Bắc, khách sẽ khó lòng quên được hương vị dẻo thơm, hấp dẫn của xôi nếp nương. Thích thú vô cùng khi bạn vo tròn từng nắm xôi trong tay, nhẩn nha thưởng thức và khi xòe lòng bàn tay ra vẫn cảm thấy bàn tay mình sạch trơn, không có cảm giác bết dính.
Chẩm chéo
Chẩm chéo là món chấm nổi tiếng của người Thái ở Tây Bắc nói chung cũng như Điện Biên nói riêng. Trong tiếng Thái, “chẩm” có nghĩa là “thức chấm”, còn “chéo” được biết đến như mùi thơm của các loại rau và gia vị kết hợp lại.
Dựa trên những nguyên liệu chính là muối trắng, tỏi, ớt bột khô, hạt mắc khén, tỏi, mì chính… mà người dân bản địa chế biến ra thành nhiều loại chẩm chéo khác nhau, phù hợp cho từng món ăn trên mâm cơm.
Theo đó, khách du lịch khi ghé thăm Điện Biên có thể thưởng thức món chấm đặc biệt này với nhiều tên gọi khác nhau như chéo pà (chéo cá) dùng để chấm măng tre, rau luộc; chéo nặm xổm (chéo nước chua) thường ăn cùng với rau cải non hay chéo pịa chấm với thịt trâu luộc hoặc hấp… Bên cạnh đó, chẩm chéo có vị cay cay, thơm nồng đặc trưng nên thích hợp để ăn cùng các loại quả chua khoái khẩu của chị em như nhót, mận hay xoài.
Sâu chít Điện Biên Phủ
Nằm trong những đặc sản Điện Biên Phủ không thể không có cái tên độc và lạ, hấp dẫn nhiều du khách khi đặt chân đến đây, đó chính là món sâu chít Điện Biên Phủ.
![]() |
Sâu chít là loại côn trùng nổi tiếng sống trong thân cây chít |
Sâu chít là ấu trùng của loài bướm trắng xuất hiện nhiều ở những vùng núi cao. Khoảng tháng 10 - 11 hằng năm, loài bướm này sẽ đẻ trứng trên thân cây chít, sau khi trứng nở và lớn dần trở thành sâu chít. Loài sâu này rất quý, được coi như một thứ dược liệu thần kì trong Đông y vì sở hữu dược tính và chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe.
Người dân nơi đây sẽ bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng, căng mọng sau khi được lấy ra sẽ được sơ chế sạch sẽ và thả trong chậu rượu nhạt để không bị hỏng.
Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu sâu chít còn dùng để sao khô, nấu cháo. Rượu sâu chít và thịt sâu chít là những ẩm thực được nhiều du khách miền xuôi rất thích chọn mua vì chúng bổ dưỡng mà giá cả không quá mắc.
Đến đây, du khách ngoài việc được thưởng thức loại đặc sản Điện Biên này thì cũng có thể mua về làm quà biếu cho người thân và bạn bè.
Măng đắng
Nói đến ẩm thực Điện Biên thì không thể thiếu món măng đắng. Vừa là sản vật vừa là món ăn phổ biến của người dân nơi đây, măng đắng thường được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: xào, luộc, hầm xương,...
Đặc biệt, bạn có thể dễ dàng thưởng thức món măng đắng chấm với chẳm chéo. Vị đắng chát tự nhiên của măng rừng hòa quyện vị chua, cay mà lại thơm ngon khi cho từng miếng vào miệng.
![]() |
Măng đắng cũng được biết đến là một trong những đặc sản khó quên của vùng đất Điện Biên |
Gà đen Tủa Chùa
Ẩm thực Điện Biên không thể không nhắc đến món Gà đen Tủa Chùa là một giống gà xương đen đặc trưng của đồng bào Hmong ở Điện Biên, trong tiếng dân tộc Hmong còn gọi là gà Ka Đu. Đối với người dân nơi đây xem giống gà đen Tủa Chùa này là một trong những đặc sản quý giá, thường được sử dụng để chế biến thành các món ăn ngày lễ Tết, hay luôn có mặt trong danh mục tài sản thừa kế cho tặng hay dựng vợ gả chồng của người dân nơi đây.
Gà đen Tủa Chùa có đặc điểm là da đen, mắt viền đen, phủ tạng đen, vân thịt đen đến cả phần xương cũng nhuốm màu đen. Loại gà này có thịt rất chắc và thơm ngon, cùng hàm lượng chất dinh dưỡng sắt và glutamics cao gấp 2 lần so với các giống gà bình thường.
Người dân tộc Hmong thường dùng gà Tủa Chùa để nấu cháo bồi dưỡng cho người bệnh, trẻ em, người già, phụ nữ mang thai để cung cấp chất dinh dưỡng. Ngoài ra, họ còn dùng xương gà Ka Đu để nấu cao, ngâm rượu để dùng cho người ốm yếu, chân tay run và người già tăng cường sức khỏe hiệu quả.
Chè tuyết
Chè tuyết hay chè tuyết Tủa Chùa là một trong những giống chè đặc trưng tại tỉnh Điện Biên. Nếu những loại chè thông thường có thân mảnh khảnh và cao đến ngang ngực thì chè Shan tuyết Tủa Chùa cao từ 8 đến 15m và người dân phải bắc thang lên mới có thể thu hoạch được lá chè.
Giống chè tuyết tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho nước màu vàng tươi, vị hơi chát nhẹ lúc bắt đầu uống nhưng sẽ ngọt dần khi xuống đến cổ họng.
Chè tuyết Điện Biên thường được du khách mua về làm quà hay biếu tặng bạn bè, người thân. Giá một kg chè tuyết búp khô dao động từ 400.000 - 500.000 đồng. Bạn có thể tìm mua chè tuyết Shan tại nhiều cơ sở sản xuất ở huyện Tủa Chùa, Điện Biên hoặc địa chỉ 679 Võ Nguyên Giáp, thành phố Điện Biên.