Cây Đinh hương hay còn được gọi với tên khác là Đinh tử, Đinh tử hương (丁 子 香) là nụ hoa của cây Đinh hương, Chi giải hương (支 解 香), Hùng đinh hương (雄 丁 香), Công đinh hương (公 丁 香)… . Tên khoa học là Flos caryophylatac. Thuộc họ Đào kim nương (tên danh pháp khoa học là Myrtaceae).
Đinh hương là cây thân nhỡ, cao từ 10 – 12 m, lá hình bầu dục, đầu nhọn, không rụng. Hoa mẫu 4, tập hợp thành xim nhỏ ở đầu cành. Đài màu đỏ, tồn tại. tràng màu trắng hồng, rụng khi hoa nở. đế hoa dài, hình như cái đinh.
Công dụng của đinh hương
Đinh hương có vị cay, tê, mùi thơm mạnh, tính ấm đi vào 3 kinh Tỳ, Vị và Thận. Có tác dụng kích thích, làm thơm, ấm bụng, chống nôn, giảm đau, sát khuẩn, làm săn, tiêu sưng. Chủ trị chàm lở, lở đầu vú, nôn, nấc cụt, trẻ em ợ sữa, loét dạ dày tá tràng thể hư hàn, ngạt mũi cảm cúm, nhức đầu.
Dùng ngoài ngậm khi đau răng, đau lợi, dùng cồn đinh hương xoa vào chỗ bị ngứa, bị đau.
Một số bài thuốc có cây đinh hương
Chữa viêm đường hô hấp (mũi, xoang mặt), khai thông đường thở: Tinh dầu đinh hương, tinh dầu bạch đàn, trần bì, hạt mùi, menthol, natri bicarbonate, acid citric, trộn đều, làm thành viên hoàn nặng khoảng 2 – 3g. Mỗi lần dùng 1 viên cho vào nước sôi rồi xông họng. Có thể ngậm rồi súc họng.
Trị chứng nôn, tiêu chảy do tỳ vị hư hàn: Đinh hương 3g + Sa nhân 5g + Bạch truật 10g, cho tất cả các vị trên đi phơi khô tán thành bột mịn mỗi lần uống 2 – 4 g, ngày dùng 2 – 3 lần, dùng chung với nước ấm.
Chữa bệnh nội thương lâu ngày, sinh nấc nghẹn, nôn mửa, tức ngực, mạch chậm:
Bài 2: Đinh hương 2 – 4 g + tai hồng 10g + gừng 5 lát sắc với 200ml nước còn 50ml uống trong ngày. Trong trường hợp nếu nóng nhiều thì giảm đinh hương, tăng tai hồng; ngược lại nếu lạnh nhiều thì tăng đinh hương, giảm tai hồng.
Bài 2: Đinh hương 2 – 4 g + Tai hồng 10g + trần bì, thanh bì và bán hạ mỗi thứ 6g + 5 lát gừng cho vào sắc đến khi còn lại 1/3 lượng nước ban đầu.
Chữa phong thấp, đau xương, nhức mỏi, chân tay lạnh: Đinh hương 20g + long não 12g, cho vào bình thủy thinh đổ cồn 90 độ 250ml sao cho ngập dược liệu. Ngâm liên tục trong 7 ngày đêm. Lọc bỏ bã, giữ lại nước. Khi dùng, lấy bông thấm thuốc bôi, rồi nắn bóp nơi đau nhức. Ngày làm 1 – 2 lần.
Trị đau do lóet dạ dày tá tràng thể hư hàn:
Bài 1: Không dùng cho trường hợp xuất huyết: Diên hồ sách, Đương qui mỗi vị 10g + Ngũ linh chi, Quất hồng mỗi vị 6g + Đinh hương 4g, cho tất cả đi phơi khô tán bột mịn rồi trộn đều. Mỗi lần uống 3 – 6 g, ngày dùng 2 – 3 lần với nước sôi ấm.
Bài 2: Không dùng cho trường hợp lở loét, ợ chua: Đinh hương 30g + bột Long cốt, Mẫu lệ mỗi vị 300g + bột mì 120g, tất cả phơi khô tán bột mịn trộn đều. Mỗi ngày dùng 6g, ngày uống 2 – 3 lần với nước sôi ấm.
Chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thổ tả: Đinh hương 2g + sa nhân 6g + bạch truật 12g. Tất cả tán thành bột, uống mỗi lần 2 – 4g, ngày dùng 2-3 lần.
Chữa nôn, nấc cụt, trẻ em ợ sữa: Đinh hương 3g + Tai hồng, Đảng sâm, Sinh khương mỗi vị cân lấy 10g, cho vào sắc lấy nước uống.
Lưu ý
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, sử dụng bất kỳ bài thuốc nào, nhất là đối với những người có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc khác. Nên theo dõi khi sử dụng các phương pháp trên và dừng lại khi thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến sức khỏe.