Trước sự tăng trưởng nóng của cây sầu riêng Tây Nguyên, cần tìm giải pháp phát triển bền vững. |
Liên kết trồng sầu riêng quy mô lớn đạt chuẩn xuất khẩu
Huyện Đam Rông là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn tại tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, do thời gian trước đây người dân trồng sầu riền tự phát nên dẫn tới nhiều hạn chế. Để phát triển vùng sầu riêng bền vững, hiện nay địa phương đang tổ chức sản xuất sầu riêng theo hình thức liên kết xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, nâng cao chất lượng để xuất khẩu.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông (Lâm Đồng) sầu riêng là một trong những cây trồng tiềm năng và là thế mạnh của huyện. Thời gian qua, mô hình sản xuất sầu riêng trên địa bàn huyện được tập trung phát triển và đạt kết quả cao.
Lãnh đạo Phòng nông nghiệp huyện cũng nhận định, Đam Rông có khí hậu, thổ nhưỡng và thủy văn thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển. Đặc biệt huyện có điều kiện để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đáp ứng nguồn nông sản chất lượng và hướng đến xuất khẩu. Tuy vậy, thời gian trước đây do việc ồ ạt trồng sầu riêng thiếu kiểm soát nên dẫn tới nhiều bất cập.
Hiện nay diện tích trồng sầu riêng toàn huyện Đam Rông khoảng 1.800 ha. |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông, diện tích sầu riêng trồng xen của huyện hiện đang chiếm trên 59%. Điều này gây khó khăn cho việc chăm sóc, tác động khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, sản phẩm sầu riêng chủ yếu là xuất trái tươi nên giá trị kinh tế chưa cao, phụ thuộc nhiều vào cung cầu của thị trường.
Do vậy, chính quyền địa phương đang vào cuộc nhằm hỗ trợ nông dân liên kết trong trồng và tiêu thụ sầu riêng. Trên địa bàn huyện đã hình thành và đang mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng. Trong đó bao gồm 1 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng. Qua thống kê, hiện nay diện tích trồng sầu riêng toàn huyện khoảng 1.800 ha, trong đó diện tích trồng thuần gần 750ha, trồng xen trên 1.000 ha.
Tới nay, huyện đã có 578ha sầu riêng ứng dụng công nghệ cao. Trong đó diện tích sầu riêng bước vào giai đoạn kinh doanh của huyện là 451 ha, chiếm 24,8% tổng diện tích với tổng sản lượng trên 4,3 nghìn tấn.
Hhính quyền huyện Đam Rông đang vào cuộc nhằm hỗ trợ nông dân liên kết trong trồng và tiêu thụ sầu riêng. |
Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng đang đầu tư, mở rộng tại địa bàn huyện với vùng liên kết lên đến hàng trăm ha. Ngoài ra, để đáp ứng các yêu cầu thị trường, đặc biệt xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, một số doanh nghiệp đã đề xuất cấp 5 mã số vùng trồng với tổng diện tích khoảng trên 260ha.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông cho biết: “Để các mô hình sản xuất sầu riêng đạt hiệu quả cao, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tập huấncho người sản xuất, tổ chức các cuộc trao đổi kỹ năng sản xuất tại vườn điểm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng các mô hình sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao, mô hình tưới tiết kiệm để phổ biến đến người dân”.
Tìm lộ trình riêng cho trái sầu riêng trên thị trường xuất khẩu
Khi diện tích sầu riêng tại Tây Nguyên mở rộng không ngừng vấn đề thị trường cho trái cây vua này lại càng trở nên nóng bỏng. Theo ông Vũ Phi Hổ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên (SARITA) khi sản lượng lớn thì thị trường sẽ không còn ổn định về giá. Từ đó, bài toán được mùa mất giá sẽ quay trở lại trên cây sầu riêng.
“Khi áp lực bán cao, trong khi thời gian bán sầu riêng chỉ trong vòng 15 ngày kể từ ngày quả sầu riêng được cắt xuống. Nếu sầu riêng không được cắt đúng thời điểm để quả rụng thì bất cứ giá nào người dân cũng phải bán để thu hồi vốn”, ông Hổ nói.
Theo ông Hổ khi quả sầu riêng rụng thì các doanh nghiệp chuyển sang bóc múi, lúc này áp lực tài chính sẽ gia tăng. Nếu bán quả tươi, các doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn nhanh, nhưng khi bóc múi thì phải cấp đông số lượng lớn.
Đặc biệt, loại bóc múi thì người dân sau khi ăn xong quả tươi họ mới quay đến sản phẩm cấp đông. Như vậy sản phẩm cấp đông phải để trong vòng một năm mới đưa ra thị trường.
“Sản lượng bóc múi vào khoảng 60.000 tấn quả với 20.000 tấn sản phẩm. Nếu quy ra tiền thì sẽ rơi vào khoảng 1.800 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ. Đi kèm với sản lượng bóc múi này thì hệ thống kho lạnh đi kèm cũng phải lớn. Tuy nhiên hiện nay năng lực chứa tại Tây Nguyên thì không đến 2.000 tấn.
Do đó, để có nơi chứa, các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm xuống TP.HCM để thuê kho cấp đông. Nhìn từ dữ liệu này thì địa phương phải tìm ra những nhà logictic phù hợp những đặc tính của ngành sầu riêng bóc múi, để từ đó nâng được giá trị, tạo ra được lợi ích của sản phầm này”, ông Hổ thông tin.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên lấy mẫu đất kiểm tra đối với những vườn liên kết. |
Ông Hổ nói thêm, hiện nay sản phẩm cấp đông của Việt Nam xuất qua Trung Quốc ở phân khúc nguyên liệu, tầm trung. “Loại sản phẩm này ngay từ đầu không định dạng được thương hiệu nên phải bán ở các chợ, phân khúc trung bình. Do đó, để sản phẩm này có chỗ đứng, bán được giá cao thì cần thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp cũng như cả người dân vì tiềm năng của dòng sản phẩm này rất lớn”, ông Hổ nói.
Từ những bất cập trên, Công ty SARITA thành lập với chủ trương sử dụng thương hiệu Việt Nam, của người Việt đứng chân tại thị trường Trung Quốc. Cụ thể, công ty ký hợp đồng với một đối tác phía Trung Quốc đang phân phối sữa chua Vinamilk và các loại sữa đặc tại thị trường tỷ dân này. Theo đó, đối tác Trung Quốc sẽ là đại lý bán hàng và hưởng hoa hồng trên từng sản phẩm.
“SARITA đi trên một con đường độc lập, tách ra khỏi cấu trúc thông qua các thương lái. Chính vì thế SARITA xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cao cho quả sầu riêng Việt Nam. Đặc biệt quả bóc múi được xây dựng chuẩn theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Cụ thể, SARITA chủ trương sử dụng công nghệ nitơ cấp đông cho sầu riêng bốc múi. Theo đó, mỗi mẻ thời gian cấp múi chỉ trong vòng 11 phút với nhiệt độ âm 250 độ. Việc đẩy nhanh tốc độ đông cứng sẽ giúp múi sầu riêng không bị mất nước, cấu trúc của quả sầu riêng vẫn còn nguyên. Đây là một trong những công nghệ hữu ích giúp nâng giá trị của sầu riêng cấp đông.
Đặc biệt, để nâng tầm sầu riêng, SARITA đưa ra chủ trương phải bắt đầu từ người trồng. Doanh nghiệp có đầu tư nhà máy, cơ sở vật chất bao nhiêu nhưng quả sầu riêng đưa vào không ngon thì không còn giá trị.
“Công nghệ không thể làm cho quả sầu riêng ngon lên được. Sầu riêng có ngon hay không phải là do người trồng. Người trồng muốn có quả sầu riêng ngon thì phải có kỹ thuật canh tác, dinh dưỡng cây trồng và quá trình phun thuốc, vệ sinh môi trường đồng ruộng”, ông Hổ thông tin.
Để giúp người dân, hiện nay Công ty SARITA đang xây dựng quy trình chuẩn cho việc canh tác sầu riêng. Những vườn nào hợp tác với SARITA thì đều được đội ngũ kỹ thuật của đơn vị hỗ trợ.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ xây dựng quy trình canh tác chuẩn, lộ trình dinh dưỡng cây trồng vì hiện này vẫn còn nhiều trường hợp không nắm được kỹ thuật canh tác. Công ty cũng sẽ kiểm sát phân bón, thuốc trừ sâu đối với các vườn liên kết.
“Đơn vị cũng xây dựng đội ngũ 10 nhân viên công nghệ thông tin để số hóa vùng trồng. Toàn bộ dữ liệu vùng trồng từ canh tác, thu hoạch sầu riêng sẽ được số hóa.
Số hóa vườn vựa là bước đi quan trọng hàng đầu cho tất cả những nền nông nghiệp. Nếu việc này triển khai thuận lợi sẽ giúp cho ngành sầu riêng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung nâng cao được chất lượng, chuyên nghiệp”, ông Hổ nói thêm.
Hình thành vùng sầu riêng quy mô lớn và canh tác trên các tiêu chuẩn xuất khẩu, trước mắt để đủ tiêu chuẩn được cấp mã số vùng trồng. Đó là điều kiện đầu tiên để trái sầu riêng Tây Nguyên được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Về lâu dài cần có sự kết nối nhất quán giữa chính quyền địa phương, người trồng sầu riêng và doanh nghiệp tiêu thụ để định vị một quy trình chuẩn cho trái sầu riêng có thể chủ động tiếp cận mọi thị trường. Câu chuyện nâng chất, nâng tầm thương hiệu trái sầu riêng phải là một lộ trình và không thể mạnh ai nấy làm một cách tự phát./.