Nhà vườn ở Tây Nguyên chuẩn bị thu hoạch sầu riêng và nỗi lo dội chợ. (Ảnh: Bảo Trung) |
Sầu riêng trước nguy cơ dồn ứ từ chợ tới cửa khẩu
Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, kể từ ngày 22/5, số lượng xe chở nông sản vận chuyển từ các tỉnh phía Nam lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã tăng đột biến.
Nguyên nhân hiện mặt hàng sầu riêng nước ta đang vào vụ thu hoạch, với sản lượng quý 2 và quý 3 ước khoảng 650.000 tấn. Trong khi đó, mặt hàng này hiện chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (chiếm hơn 50% tổng số lượng xe lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị).
Để giải quyết tình trạng ùn ứ, tỉnh Lạng Sơn quyết định, bắt đầu từ 15 giờ ngày 27/5, tất cả các phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện điều tiết vào Khu phi thuế quan để dừng đỗ.
Xe chở hàng lên cửa khẩu chờ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến. |
Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Sở Công thương, Hải quan Lạng Sơn đã làm việc với Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) để thống nhất tăng thời gian thông quan hàng hóa đến 20 giờ (giờ Hà Nội), tăng thêm 2 giờ làm việc so với thời điểm đầu tháng 5/2023.
Điều này giúp lượng xe thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trung bình mỗi ngày được từ 750 – 820 xe, tăng từ 250 – 300 xe so với thời điểm giữa tháng 5/2023.
Tuy nhiên, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý để đưa hàng hoá đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Cơ quan này cũng dự báo, thời gian tới, các phương tiện chở mặt hàng sầu riêng từ các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tiếp tục dồn lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để xuất khẩu.
Cũng do thời điểm thu hoạch rộ nên sức tiêu thụ sầu riêng tại thị trường trong nước cũng rất chậm. Chị Xuyến (40 tuổi), chủ vựa sầu riêng ở đường Gò Dầu (quận Tân Phú, TP.HCM), đã có bảy năm kinh nghiệm bán sầu riêng. Hiện chị đang bán hai loại sầu riêng phổ biến là Monthong Thái và Ri6 với mức giá dao động từ 50.000 – 110.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng bán trong nước đã giảm sâu nhưng tình hình kinh doanh rất ảm đạm, lượng tiêu thụ thấp. |
Mấy năm trước việc buôn bán rất tốt nhưng năm nay, ngày nào chị cũng ngồi bán từ 8 giờ sáng đến 23 giờ mà chỉ lác đác vài người hỏi mua, đa số chọn trái nhỏ hoặc vừa tầm 1,5 - 2kg.
"Giờ kinh tế khó khăn, ai cũng quản lý chặt chi tiêu, ít người dám bỏ ra 500.000 – 700.000 đồng để mua một trái sầu riêng lớn 4-5kg để ăn hay biếu tặng như trước" – chị Xuyến nói.
Tương tự, ông Công (50 tuổi), chủ vựa sầu riêng nằm trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), cũng than thở, mặc dù vựa của ông có lợi thế về lượng xe cộ qua lại đông đúc nhưng lượng khách đến mua cũng "đếm trên đầu ngón tay".
Chủ vựa với chục năm thâm niên chia sẻ ế ẩm là tình trạng chung của hầu hết các tiểu thương kinh doanh sầu riêng trên đoạn đường này. Để cắt giảm chi phí, ông không tuyển thêm nhân viên mà tự mình kiểm tra hàng, bày hàng sầu riêng ra ngoài và tự bán.
Tây Nguyên chuẩn bị thu hoạch sầu riêng, cảnh báo nguy cơ ồ ạt tăng diện tích
Hiện nay, Tây Nguyên cũng là điểm nóng về việc chặt bỏ các cây trồng truyền thống như cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng. Hiện tượng ồ ạt đốn hạ, phá hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu, điều... để chuyển đổi sang trồng sầu riêng là rất đáng lo ngại. Cảnh báo nguy cơ phá vỡ quy hoạch về diện tích trồng, về sản lượng và dễ làm mất cân đối cung cầu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" do Bộ NN&PTNT thực hiện, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 chỉ ở mức 75.000ha. Nhưng hiện nay diện tích sầu riêng của cả nước đã lên đến 110.000ha.
Riêng Đắk Lắk đã có hơn 20.000ha sầu riêng và là một trong số những địa phương có diện tích lớn nhất cả nước. Trong đó, diện tích cho thu hoạch mới đạt khoảng 40%, với sản lượng hàng năm lên tới 150.000 tấn. Dự kiến đạt 300.000 tấn vào năm 2030. Vì vậy, cả sản lượng và diện tích trồng sầu riêng của Đắk Lắk đều vượt quy hoạch chung của ngành nông nghiệp tỉnh.
Mặt khác, nếu phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch về diện tích trồng, làm mất cân đối cung cầu, mà không chú trọng đến quy trình kỹ thuật, giống cây trồng... sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Rớt giá, thậm chí bị thị trường từ chối, thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều.
Chưa kể, ngoài Việt Nam, sầu riêng vào thị trường Trung Quốc hiện nay còn có các vùng nông sản cạnh tranh khốc liệt là Thái Lan, Philippines...
Tỉnh Đắk Lắk đang là một trong những địa phương có diện tích trồng và sản lượng sầu riêng lớn nhất cả nước. (Ảnh: Bảo Trung) |
Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Đã có một số nơi tại địa phương, người dân nhận thức chưa đầy đủ và chuyển đổi cây trồng từ cà phê, tiêu... sang sầu riêng để cải thiện thu nhập. Hiện tượng này dễ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu.
Trong đó, hệ lụy dễ thấy nhất là nguồn cung vượt cầu, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu... ảnh hưởng lớn đến uy tín đối với mặt hàng nông sản này của tỉnh".
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Hồi năm 2022, ngay từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa, ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm ngặt việc xây dựng mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đúng theo quy định nhằm đảm bảo chất lượng nông sản.
Sở cũng đã khuyến cáo các địa phương nhắc nhở người dân không ồ ạt trồng sầu riêng. Nếu có chuyển đổi cây trồng, bà con phải đảm bảo những yêu cầu điều kiện mà cơ quan chức năng đã đặt ra. Ví dụ, vùng trồng phải xác định được gieo sầu riêng là phù hợp, khí hậu thuận lợi, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng giống và chứng nhận liên kết hợp tác để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Dương nói thêm: "Chúng ta phải thấy được rằng đây đang là thời điểm tốt để phát triển ngành hàng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Diện tích, sản lượng sầu riêng ở địa phương sẽ tăng lên trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia nhận định rằng thị trường sầu riêng vẫn còn rất tiềm năng, có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, người nông dân phải xác định được nên chọn vùng nào trồng sầu riêng để sản phẩm có giá thành cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để có đầu ra, tăng thu nhập"./.