Khai thác đa dạng hóa nguồn khách quốc tế
![]() |
Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội và tăng cường quảng bá và tiếp cận khách quốc tế. |
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, ngành du lịch sẽ tập trung vào các thị trường chiến lược dựa trên 3 tiêu chí quan trọng: chính sách miễn thị thực, kết nối đường bay thuận lợi và tiềm năng tăng trưởng cao.
Theo kế hoạch dự kiến năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc; Hàn Quốc; Nhật Bản; Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore)... Những chương trình kết nối doanh nghiệp, giới thiệu điểm đến và mở rộng hợp tác chiến lược sẽ được triển khai nhanh và mạnh, tận dụng lợi thế từ hệ thống đường bay thuận lợi cùng chính sách thị thực ngày càng cởi mở.
Thực tế, thị trường châu Á vẫn giữ vai trò chủ lực khi đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024. Đáng chú ý, 4 thị trường lớn của khu vực Đông Bắc Á, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, chiếm gần 60% tổng lượng khách tới Việt Nam. Đây được coi là những nguồn khách chính của du lịch Việt Nam nhờ kết nối đường bay thuận lợi, có khả năng tăng trưởng cao và về số lượng và chất lượng và du khách từ một số thị trường được miễn thị thực nhập cảnh.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng đây là cơ hội để ngành Du lịch nước ta bứt phá và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để tận dụng hiệu quả xu hướng, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội và triển khai một số nội dung như: Tăng cường quảng bá và tiếp cận khách quốc tế. Đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị số trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt hướng đến các thị trường có lượng tìm kiếm cao. Phối hợp với các OTA (Online Travel Agency) để tăng độ phủ thương hiệu.
Bên cạnh đó, xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Thiết kế các tour trọn gói đáp ứng nhu cầu của từng thị trường (du lịch nghỉ dưỡng cho khách Mỹ, du lịch văn hóa cho khách Nhật, du lịch mạo hiểm cho khách Australia). Phát triển các trải nghiệm độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực để thu hút khách hàng thích trải nghiệm mới lạ. Cải tiến dịch vụ du lịch cao cấp (resort, du thuyền, golf, wellness tourism) để đón dòng khách có khả năng chi tiêu cao.
Theo ông Phúc, cần nâng cấp dịch vụ và tiêu chuẩn hóa chất lượng. Đào tạo nhân viên về kỹ năng giao tiếp, phục vụ và hiểu biết văn hóa để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ứng dụng công nghệ (AI Chatbot, ứng dụng di động, dịch vụ thanh toán số) để hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn. Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng uy tín và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác với các hãng hàng không để có gói ưu đãi vé máy bay kết hợp tour. Kết nối với các công ty du lịch nước ngoài để xây dựng mạng lưới đối tác và mở rộng thị trường. Tạo các combo liên kết với khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển để tối ưu trải nghiệm khách hàng.
Cuối cùng, ông Phúc nhấn mạnh: “Chuyển đổi số và cá nhân hóa dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong thu hút khách quốc tế. Trong đó, ứng dụng AI và dữ liệu để phân tích hành vi khách hàng và đề xuất gói du lịch phù hợp. Tối ưu hóa website và kênh bán hàng trực tuyến để dễ dàng tiếp cận khách quốc tế. Phát triển chương trình khách hàng thân thiết để tăng tỷ lệ khách quay lại”.
Cơ hội và thách thức của ngành du lịch
![]() |
Trong bối cảnh bất ổn của kinh tế và chính trị thế giới sẽ khiến lượng du khách từ Trung Quốc, châu Âu đến Việt Nam khó phục hồi ngay trong năm 2025 |
Đánh giá một cách khách quan, dù du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn có những thị trường gặp khó, đặc biệt là Trung Quốc và châu Âu. Ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế của VinaCapital cho rằng bối cảnh bất ổn của kinh tế và chính trị thế giới sẽ khiến lượng du khách từ Trung Quốc, châu Âu đến Việt Nam khó phục hồi ngay trong năm 2025: “Thị trường khách Trung Quốc chưa khôi phục hoàn toàn do nền kinh tế yếu, ngoài ra kinh tế châu Âu cũng suy giảm. Trung Quốc đang định hướng lại nền kinh tế sản xuất nên cần nhiều năm tới để phục hồi”.
Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam năm 2024 thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch Covid-19, và được dự báo tiếp tục phục hồi chậm so với năm 2025. Theo các chuyên gia, điều này do nhiều nguyên nhân như Trung Quốc đang ưu tiên du lịch trong nước, bao gồm cả khách quốc tế đến và khách nội địa, thay vì khuyến khích người dân ra nước ngoài, đồng thời khách Trung Quốc cũng đang ưu tiên lựa chọn các điểm đến được miễn thị thực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…
Ngoài ra, khách du lịch theo đoàn từ Trung Quốc đến từng quốc gia vẫn chịu sự điều tiết, trong đó một số điểm đến chưa nằm trong danh sách được đón tour theo đoàn từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dự báo nguồn khách từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam, vốn đã tăng trưởng trên 50% trong năm nay so với năm 2023, khó tiếp tục sự bùng nổ vào năm 2025 mà dần bước vào giai đoạn ổn định. Sự mở cửa và thu hút mạnh mẽ của một số điểm đến trong khu vực được dự báo kéo đi một phần khách Đài Loan, thay vì tập trung nhiều vào các tour du lịch Việt Nam như năm 2024.
Trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn khách cho du lịch Việt Nam, châu Âu và các nước nói tiếng Anh là những thị trường quan trọng, đặc biệt là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha… và những nước có nhiều đường bay thẳng thuận tiện tới Việt Nam như Australia. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy nhu cầu của du khách Australia về các điểm đến như Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Hạnh - Tổng giám đốc của Intrepid Travel tại Việt Nam cho biết các thị trường nói tiếng Anh (Australia, New Zealand, Tây Âu, Bắc Mỹ…) sẽ là nguồn khách quan trọng của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Đáng chú ý là các thị trường Australia, New Zealand, Anh, Mỹ, Canada đang tăng trưởng tốt.
“Các tour du lịch Việt Nam đang đứng top đầu về lượng đặt chỗ sớm năm 2025, và Việt Nam cũng xếp thứ 8 trong danh sách tất cả điểm đến toàn cầu mà Intrepid đang khai thác tour du lịch. Trong top 20 tour du lịch mà Intrepid bán chạy nhất trên toàn cầu thì Việt Nam cũng có 3 sản phẩm. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 15 – 20% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2025”, ông Nguyễn Hạnh cho biết.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng là thị trường khổng lồ và đầy hứa hẹn cho du lịch Việt Nam. Với sự gia tăng đáng kể về kết nối hàng không, chính sách thị thực thuận lợi và mong muốn khám phá thế giới ngày càng tăng, thị trường du lịch Ấn Độ đã đạt được những cột mốc chưa từng có. Sự gần gũi về văn hóa và địa lý đóng vai trò quan trọng khi người Ấn Độ du lịch nước ngoài, với khoảng 70% du khách Ấn Độ lựa chọn các điểm đến ở Trung Đông và Nam Á.