Gỡ “thẻ vàng” IUU giúp phát triển ngành thủy sản bền vững Thủ tướng ra Công điện về gỡ “thẻ vàng” khai thác hải sản |
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành thanh tra lần thứ 5, dự kiến vào tháng 10/2024. |
Ở lần kiểm tra thứ 5 này, nếu không gỡ được "thẻ vàng", Việt Nam có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội, thậm chí nguy cơ bị phạt "thẻ đỏ" chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), hạn chế xuất khẩu thuỷ sản vào các thị trường quan trọng. Theo các chuyên gia, nhiệm vụ gỡ "thẻ vàng" IUU đang cấp thiết hơn bao giờ hết và cần dồn sức thực hiện.
Các điểm "nóng" đang thực hiện thế nào?
Chung tay cùng các tỉnh thành ven biển trên cả nước, tỉnh Nam Định cũng đang nỗ lực tăng cường triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo hoạt động khai thác của địa phương được thực hiện theo đúng quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Từ đó, góp sức gỡ “thẻ vàng” IUU cho thủy sản Việt Nam.
Theo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nam Định: Từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp với các phong ban: Phòng chống ma tuý và tội phạm, An ninh kinh tế (Công an tỉnh); các đồn, trạm Kiểm soát Biên phòng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh); Thanh tra Sở NNPTNT; Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá; Phòng NNPTNT các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực cửa sông Ninh Cơ, cửa Hà Lạn, khu vực ven bờ biển các xã Giao Long, Giao Hải (Giao Thủy) và các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, trong 74 tàu cá đã kiểm tra (huyện Hải Hậu 27 tàu, Nghĩa Hưng 15 tàu, Giao Thủy 32 tàu) cho thấy, cơ bản các tàu cá đều chấp hành các quy định của pháp luật trong việc đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ chuyên môn, thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị giám sát hành trình tàu cá...
Tuy nhiên một số tàu cá chưa chấp hành tốt các quy định về viết số đăng ký tàu cá; không duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá; không có sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; số đăng ký tàu cá và sơn đánh dấu nhận biết tàu cá bị mờ, không nhìn rõ; một số tàu cá chuẩn bị hết hạn nộp cước phí thiết bị giám sát hành trình...
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với một số tàu cá vi phạm với tổng số tiền 40 triệu đồng; trong đó 1 trường hợp không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển (loại tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m); 1 tàu không có sổ danh bạ thuyền viên, không viết số đăng ký; 2 tàu không viết số đăng ký theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định); trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nhất là tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 1.000 tàu cá “3 không,” phần lớn có chiều dài từ 6 đến dưới 12m. Những tàu cá này hoạt động chủ yếu ở vùng bờ, vùng bãi ngang trong tỉnh, không ra vào cảng cá, trạm kiểm soát Biên phòng nên gây khó khăn rất lớn cho quản lý.
Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn, cho hay Trạm kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện này; đồng thời, yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không xuất bến khi chưa đủ điều kiện.
Theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), về quản lý đội tàu bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm và cấp phép khai thác thủy sản cho 100% tàu cá. Nếu không làm tốt yêu cầu này sẽ ảnh hưởng đến việc khắc phục “thẻ vàng” IUU.
Trước thực trạng trên, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt quy định của pháp luật, Tỉnh ủy Bình Định cũng đã thống nhất chủ trương cấp đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản tạm thời cho các tàu cá “3 không” để dễ dàng hơn trong việc quản lý.
Còn đó những thách thức trong thực tiễn triển khai
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ được EC ghi nhận và đánh giá cao. |
Sau gần 7 năm kể từ khi thủy sản Việt Nam bị áp cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ được EC ghi nhận và đánh giá cao, nhất là ở khía cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, thách thức trong thực tiễn triển khai các quy định khiến cho nỗ lực của các địa phương chưa phát huy tối đa hiệu quả như mong muốn. Một trong số đó là ngành thủy sản hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vừa qua, tại cuộc làm việc giữa Đoàn khảo sát của Ủy ban Đối ngoại với UBND tỉnh Phú Yên về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khắc phục “thẻ vàng” IUU, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tri Phương thẳng thắn nêu thực tế, Phú Yên hiện không còn nhiều dư địa để phát triển nghề cá, bởi lẽ hoạt động khai thác thủy sản được quản lý theo hạn ngạch từng vùng: vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi. Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, Phú Yên phải đi theo hướng đẩy mạnh tổ chức hoạt động đánh bắt cá theo tổ đội có quy mô, đưa khoa học, công nghệ vào hoạt động khai thác thủy sản…
Mặc dù đã xác định khá rõ phương hướng phát triển nghề cá của địa phương, song khó khăn lớn nhất hiện nay là khả năng thích ứng của ngư dân trong việc tiếp thu được công nghệ. Một yếu tố mang tính đặc thù ở Phú Yên là số ngư dân được đào tạo để có khả năng vận hành công nghệ hiện đại trên tàu không nhiều, chủ yếu các chủ tàu thuê những ngư dân nhàn rỗi ở các vùng lân cận khác và hầu hết có trình độ thấp. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, Nghề đi biển hiện nay đang rất thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ. Đây cũng là vấn đề chung với nhiều tỉnh duyên hải khác trên cả nước là ngư dân còn hạn chế về nhận thức, hiểu biết chính sách, pháp luật và khả năng tổ chức quản lý, vận hành, khai thác đối với những đội tàu lớn.
Các tỉnh ven biển, trong đó có Phú Yên, hiện đang rất thiếu lao động do đa số lao động ngày càng có xu hướng tham gia những ngành nghề có tính ổn định hơn.Hiện tỉnh này đang có chính sách huy động nhân lực tàu thuyền, song việc quản lý lực lượng này còn khó khăn.
Từ thực trạng lao động nghề cá của địa phương, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cho chủ tàu/ngư dân đủ năng lực quản lý tàu, ngư cụ quy mô lớn để khai thác có hiệu quả. Nếu không giải quyết chuyện đó thì dù đầu tư đến mấy cũng không đạt hiệu quả như mong đợi, như thực tế triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản vừa qua đã cho thấy. Đồng thời, cần đánh giá lại tất cả các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực thủy sản, ở cả khía cạnh chính sách về phát triển thủy sản và bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển.
Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cũng cho rằng, vướng mắc nhất hiện nay là tình trạng tàu cá và ngư dân của chúng ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có giảm rất nhiều nhưng chưa được chấm dứt. Do đó, làm sao từ thời điểm này đến lúc phía bạn sang, sẽ không còn phát sinh vụ việc nào bị các nước bắt giữ, xử lý thông báo.
“Chúng ta cương quyết điều tra xác minh, xử lý triệt để, để thể hiện cam kết, thể hiện không dung túng, không bao che của Việt Nam đối với hành vi này. Từ thời điểm này đến lúc đó, nếu không phát sinh vụ việc nào nữa thì khả năng gỡ cảnh báo thẻ vàng của Việt Nam sẽ khả quan”, ông Cường nhấn mạnh.