Bột côn trùng có thể thay thế bột cá trong tương lai? Loại côn trùng gây hại cho hoa nhãn nhưng lại trở thành đặc sản hấp dẫn ở Tây Bắc Loài côn trùng nhìn ghê sợ nhưng được ví “đại bổ như sâm” |
Châu chấu được coi là loài côn trùng phá hoại mùa màng |
Châu chấu lâu nay luôn được coi là loài côn trùng phá hoại mùa màng với những người nông dân, nhưng nếu biết tận dụng và chế biến nó là món ăn ngon và giàu giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi sử dụng loại côn trùng này làm thức ăn cũng phải đặc biệt lưu ý, nếu không biết cách chế biến nó có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe.
Tạp chí Nông thôn Việt đưa tin, khoảng nửa tháng trở lại đây, trên chợ mạng, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và mua được châu chấu. Giá bán hiện tại dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, có thời điểm giá bán lên đến hơn 400.000 đồng/kg.
“Năm nào cũng thế, cứ khoảng tháng 8-9 Dương lịch là lại vào mùa châu chấu, tôi năm nào cũng mua về để cả nhà thưởng thức. Có năm, giá bán lên đến 250.000 đồng/kg, còn năm nay giá hạ nhiệt hơn nhiều rồi”, chị Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Nhật (Sơn La) cho biết, hiện tại, châu chấu đang vào mùa nên có ngày chị thu gom được gần tạ, còn trung bình khoảng 40-50kg/ngày. Khách sỉ sẽ có giá riêng còn khách lẻ chị đang bán giá vào khoảng 130.000 đồng/kg.
Châu chấu là con vật dễ làm dễ ăn, có thể chế biến thành nhiều món như rang, lẩu, xào sả ớt… Trong đó, món châu chấu rang là phổ biến và dễ làm nhất. Nhưng câu chấu xào sả ớt được đánh giá ăn mềm hơn châu chấu rang.
Chuyên gia khuyến cáo sử dụng côn trùng trong chế biến thực phẩm
Chuyên gia cảnh báo khi sử dụng côn trùng làm thực phẩm |
Ngày 14/8, sau bữa ăn có món châu chấu rang, Nguyễn Thị Oanh, 27 tuổi, ở Nghĩa Long, Nghĩa Đàn, phải nhập viện cấp cứu rồi tử vong, bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ.
Trước đó, ngày 14/7, một người đàn ông 30 tuổi, ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, sau khi ăn châu chấu rang thì khó thở, tức ngực, toàn thân người bệnh có nhiều ban dị ứng màu đỏ, ngứa, môi và đầu tay chân tím, mệt mỏi, huyết áp tụt sâu. Các triệu chứng này xuất hiện chỉ sau 30 phút ăn châu chấu rang. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ do ăn châu chấu. Sau cấp cứu, người bệnh tỉnh táo, mạch và huyết áp ổn định.
Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tình trạng sốc phản vệ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, nhiều khi có người rất mẫn cảm với một loại kháng nguyên (ở đây là châu chấu) nên ăn ít cũng có thể gây phản ứng phản vệ mạnh mẽ.
Nguyên nhân có thể do sử dụng côn trùng đã chết có thể sinh ra độc tố, côn trùng bị nhiễm nấm độc, côn trùng ăn các cây chứa nhựa độc như cây đậu cọc rào, thầu dầu tía, ba đậu… (chứa nhóm độc tố Alcaloid, nhóm Glucosid có độc…), hoặc một số độc tố sẵn có của côn trùng không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến. Bản thân côn trùng được cấu tạo bởi nhiều protein lạ có thể gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm.
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong. Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để ăn thử và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây ra tử vong cho người ăn. Hiện nay khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
Tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.
Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.