Nhập nhoạng tối, người dân xã Nghĩa Bình đã đội đèn ra các vườn cỏ sữa, ngô tìm diệt châu chấu. |
Kiếm bộn nhờ mỗi đêm đi bắt châu chấu
Thời gian gần đây, châu chấu tràn vào các vườn cỏ sữa, cây ngô của người dân ở xóm 7, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) rất nhiều. Để tiêu diệt châu chấu, người dân đã rủ nhau đi bắt về bán, để làm thức ăn cho người hay phơi khô làm thức ăn cho gia cầm. Trên một vườn cỏ sữa khoảng 2 sào, mỗi đêm có gần chục người dân đi chao vợt bắt châu chấu.
Mới nhập nhoạng tối, vợ chồng anh Lục Văn Thể (48 tuổi) và chị Lục Thị Lan (49 tuổi) đã đeo gùi, đội đèn cầm vợt đi vợt châu chấu. Chị Lan cho biết, từ khi châu chấu tràn vào vườn ngô, cỏ sữa với số lượng lớn thì người dân trong xóm đã rủ nhau đi bắt.
Trung bình mỗi đêm, người dân bắt được hàng chục kg châu chấu góp phần ngăn chặn chúng phát triển, di cư ra các vùng lân cận khác. |
Những ngày đầu vợ chồng vợt được 30 kg - 40 kg châu chấu. Một vài thương lái đến đặt hàng với số lượng ít vì châu chấu còn nhỏ nên chỉ đưa ra mức giá 100.000 – 120.000 đồng/kg.
“Châu chấu từ lâu đã trở thành món ăn khoái khẩu, chế biến làm mồi nhậu rất ngon, được nhiều người ưa chuộng” – anh Thể cho biết.
Cùng đi bắt châu chấu như vợ chồng anh Thể, chị Lương Thị Tuyết (30 tuổi) vừa cầm vợt chao trên các ngọn cỏ sữa vừa nói đi bắt châu chấu đem về phơi khô cho gà, để một ít làm quà biếu cho người thân. Trung bình mỗi đêm cũng được hơn 10kg châu chấu.
“Do số lượng châu chấu nhiều với lại chưa có cánh bay nên dễ bắt. Châu chấu ăn hết cỏ sữa, cây ngô nếu không bắt sẽ ăn ra nhiều vườn khác, vùng khác nên tranh thủ bắt diệt dần” – chị Tuyết cho hay.
Anh Lương Văn Thanh (43 tuổi) cho biết, người thân ở miền Nam biết ở quê nạn châu chấu đang hoành hành nên gọi điện về bảo gửi châu chấu vào. Tranh thủ mấy ngày đi vợt bắt, anh đã gửi vào cho người thân ở miền Nam được 20kg châu chấu, số còn lại để tủ lạnh làm đồ nhậu, thức ăn cho gà.
Nơi nào đàn châu chấu tràn qua, cây cỏ hoa màu đều bị tàn phá nặng nề. |
Người dân cũng cho biết thêm, ban ngày, châu chấu nhảy liên tục nên khó bắt hơn, về đêm châu chấu chỉ nằm im nên dễ bắt. Khi chúng rơi xuống đất thì ít phút sau lại bò lên cây như cũ.
Vì những vườn cỏ sữa, ngô làm thức ăn cho vật nuôi không thể phun thuốc nên cách bắt thủ công là phương pháp hữu hiệu để làm giảm số lượng châu chấu và ngăn chúng di cư ra các vùng khác.
Huy động máy bay không người lái diệt châu chấu
Tại huyện huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thời gian vừa qua cũng sảy ra dịch châu chấu đang hoành hành phá hoại rừng mét, cây trồng của người dân. Gia đình ông Lô Văn Thái (64 tuổi, xã Nghĩa Bình) mới đầu tư trồng 200 gốc mét đã bị châu chấu ăn trụi lá, những cây măng mới nhú lên cũng bị ăn trụi. Ông Thái cho biết mỗi gốc mét được mua với giá 15.000 đồng, vườn mét lâu năm hơn 1ha của ông cũng bị châu chấu ăn trụi lá.
Gia đình anh Ngân Văn Hà (43 tuổi) có hơn 2 sào ngô non cũng bị châu chấu ăn trụi hết lá. Không chỉ ăn trụi hết lá mét, châu chấu còn tràn xuống các vườn ngô, vườn cỏ sữa gần nhà của người dân với tốc độ tàn phá khá nhanh.
Người dân cho biết, đầu tháng 3, tháng 4 dưới sự chỉ đạo của UBND xã người dân đã phát quang gốc phát hiện các ổ châu chấu non nên tiến hành phun thuốc diệt trừ trên diện tích 66 ha mét. Từ đầu tháng 5 châu chấu từ các rừng cây giang nứa bắt đầu tràn về bay cao trên các cây mét nên khó xử lý.
Những cây mét còn trơ mỗi thân khi đàn châu chấu tràn qua. |
Thời điểm này, châu chấu chưa có cánh nên người dân đã rủ nhau dùng vợt tìm bắt ngày đêm nhưng không hiệu quả. Số lượng châu chấu rất nhiều không chỉ ở trên cây trồng còn đậu kín cả hàng rào, bờ tường.
Theo thông tin từ chính quyền xã Nghĩa Bình thì đầu tháng 3,4 đã tổ chức cho người dân phun thuốc phòng trừ châu chấu non. Đợt châu chấu tàn phá tháng 5 này di cư từ các rừng cây tự nhiên, rừng giang nứa tràn về. Trước tình trạng này, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp dùng flycam phun thuốc diệt trừ châu chấu với diện tích 45ha mét và các vùng cây trồng khác.
Được biết, xã Nghĩa Bình là vùng trồng cây tre mét lớn nhất của huyện Tân Kỳ với diện tích hơn 200ha. Nhờ thu hoạch măng non và bán cây, mỗi ha tre mét cho thu nhập trung bình từ 30 -50 triệu đồng/năm.
Huy động lực lượng ngăn chặn thành công dịch châu chấu
Bằng nhiều hình thức khác nhau, tới thời điểm này dịch châu chấu ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã khống chế được 80%. Được biết, các đơn vị chức năng đang tiếp tục khoanh vùng phun thuốc diệt trừ nhằm ngăn chặn đàn châu chấu di cư ra các vùng lân cận.
Ngày 3/6, ông Lê Viết Quý - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ - cho biết, đến nay, cơ bản dịch châu chấu ở xã Nghĩa Bình đã giảm, thông qua việc phun thuốc và tìm bắt thủ công của người dân đã khống chế được 80%.
Theo thống kê, tính đến chiều ngày 2/6, toàn bộ diện tích 155 ha cây mét trên địa bàn xã Nghĩa Bình bị chấu tàn phá. Hơn 60 ha bị châu chấu ăn trụi hết lá, số diện tích còn lại còn có lá nên châu chấu vẫn đang bu kín. Diện tích cây trồng như ngô, cỏ sữa, mía bị tàn phá khoảng 4 - 5 ha.
Huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo phun thuốc trên diện tích 45 ha, tiêu diệt được 70-80% châu chấu. Những ngày đầu mới bùng dịch, mật độ châu chấu dày đặc trên các ngọn cây. Hiện nay, mật độ đã giảm chỉ còn từ 25-40 con đậu trên một lá ngô, cỏ sữa.
Trước các biện pháp tiêu diệt, đàn châu chấu đang có dấu hiệu di cư ra các vùng lân cận. |
Châu chấu tàn phá với tốc độ cao vào những ngày đầu, trung bình khoảng 20ha mét/ngày. Hiện nay, nhờ kịp thời phun thuốc, phòng chống nên tốc độ tàn phá của châu chấu đã xuống thấp. Châu chấu tràn vào khu vực khu dân cư nên không thể phun thuốc vì sợ ảnh hưởng đến vật nuôi như ong, gà. Người dân cũng dùng vợt tìm bắt châu chấu phơi khô làm thức ăn cho vật nuôi.
Huyện Tân Kỳ giao các đơn vị trực thuộc như UBND xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ tiếp tục kiểm soát châu chấu di cư sang các vùng lân cận.
“Hiện tại, dịch châu chấu đã được khống chế khoảng 80%, còn 20% di cư theo đàn vào khu đông dân cư nên không thể phun thuốc. Để phun thuốc tiêu diệt châu chấu, đơn vị đã thuê flycam, người phun, mua thuốc hết 136 triệu đồng” - ông Lê Viết Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ, cho biết thêm.
Dịch chấu chấu ở Nghệ An đã được khống chế nhờ các biện pháp diệt châu chấu linh hoạt. Do châu chấu sinh nở nhanh với mật độ dày đặc nên tốc độ tàn phá cây trồng hoa màu diễn ra nhanh. Nếu khoogn có biện pháp kịp thời sẽ gây hậu quả lớn. Đặc biệt, khi châu chấu trưởng thành sẽ di chuyển nhanh sang các địa phương lân cận, do vậy cần có sự phối hợp đồng bộ của các địa phương để tiêu diệt tận ổ, tranh để ổ châu chấu di động ra nhiều điểm sẽ khó kiểm soát./.