Cà tím (Solanum melongena) là một loài cây thuộc họ cà với quả cùng tên gọi, được sử dụng như một loại rau trong ẩm thực. Cà tím có quan hệ họ hàng gần gũi với cà chua, khoai tây, cà dừa, cà pháo và có nguồn gốc ở miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka.
Trong cà tím chứa nhiều chất chống oxy hóa, hàm lượng calo thấp, nhiều nước thích hợp trong chế độ ăn của người giảm cân.
Trong 100g cà tím chỉ cung cấp 35 kcal nhưng giàu các chất dinh dưỡng khác như: chất béo, chất xơ, protein, các nguyên tố vi lượng (canxi, magie, sắt, photpho, kali, natri, kẽm, mangan, đồng), Vitamin C, vitamin B6, thiamin, Riboflavin, Niacin, Pantothenic acid, Folate, Lutein và zeaxanthin, Vitamin K,...
Theo Đông y cà tím đã được ghi trong bản thảo cương mục và các y văn cổ có tính năng cực hàn, thanh can, giáng hoả, lợi tiểu, nhuận tràng, chỉ huyết, hoá đàm, thanh nhiệt, giải độc.
Những lợi ích của cà tím với sức khỏe
Bảo vệ tim mạch
Cà tím chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin C, vitamin B6 và chất chống oxy hóa anthocyanins, có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Cà tím có chứa nhiều chất xơ (trong 100g cà tím có 3g chất xơ), điều này có lợi cho việc kiểm soát cholesterol máu, tránh xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim.
Cải thiện thị lực
Cà tím chứa chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin. Lutein dường như đóng một vai trò quan trọng với sức khỏe của mắt và nó có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, có thể dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi.
Ngăn ngừa ung thư
Theo một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, cà tím có khả năng phòng ngừa bệnh ung thư vì trong nó chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng tiêu diệt các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Cải thiện trí nhớ
Chất anthocyanin trong cà tím giúp ngăn ngừa chứng viêm thần kinh và tạo điều kiện cho máu lưu thông lên não, giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và các khía cạnh khác của suy giảm tinh thần do tuổi tác.
Giúp giảm cân
Cà tím chứa nhiều chất xơ, giúp no nhanh và no lâu. Bên cạnh đó chất xơ tiêu hóa chậm, làm hạn chế nhu cầu ăn vặt của người ăn kiêng.
Tăng sức đề kháng
Sắt, vitamin A, vitamin C, cali, canxi có trong cà tím có tác dụng phòng ngừa thiếu máu, cải thiện cấu trúc xương và tăng cường miễn dịch.
Ngăn ngừa rụng tóc
Các vitamin nhóm B, vitamin A giúp tóc mọc nhiều và khỏe hơn, tăng độ bóng mượt cho tóc và giảm rụng tóc.
Giúp bỏ thuốc lá
Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Michigan (Mỹ) đã phát hiện trong cà tím cũng có nicotin và thấy trong thí nghiệm ăn 10g cà tím có hiệu quả tương tự như hút thuốc suốt 3 giờ. Vậy có lời khuyên khi thèm thuốc lá hãy ăn các món cà tím ngon lành mát bổ lại tránh được độc hại.
Tác dụng lợi tiểu
Uống nước cà tím có tác dụng lợi tiểu, thải các chất độc ra khỏi cơ thể do một số bệnh gây phù nhẹ bệnh tim, bệnh thận,...
Kiểm soát đường huyết
Các chất xơ không hòa tan trong cà tím có thể làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm nguy cơ hấp thu đường cơ cơ thể, giúp ổn định đường máu, phòng ngừa bệnh lý tiểu đường.
Cà tím giúp ngủ ngon
Lượng magie dồi dào trong cà tím có tác dụng điều trị chứng mất ngủ cũng như cảm giác bồn chồn, lo lắng một cách hiệu quả.
Những lưu ý khi ăn cà tím
Không ăn quá nhiều
Trong cà tím có chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê.
Solanine lại hòa tan trong nước không đáng kể nên khi đun sôi vẫn không thể được phá hủy được chất này.
Để giảm chất này, khi chế biến bạn cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của solanine.
Không đun ở nhiệt độ quá cao
Khi đun ở nhiệt độ quá cao, cà tím sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng. Thậm chí, cách chế biến chiên có thể làm hao hụt đến 50% lượng vitamin trong cà tím.
Ngoài ra, nhiều tạp chí y học báo cáo có hiện tượng ngứa ở ngoài da và miệng sau khi ăn cà tím do trong cà tím có chứa một loại protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại histamin hàm lượng cao.
Tốt nhất bạn nên ăn cà ninh hoặc hầm nhừ sẽ không làm mất đi những thành phần dinh dưỡng vốn có trong cà tím mà vẫn giúp bạn có một món ăn ngon, bổ dưỡng.
Nên ăn cả vỏ
Khi ăn bạn không nên bỏ vỏ cà tím bởi vỏ cà có chứa vitamin nhóm B, vitamin C rất có lợi cho sức khỏe.
Những người không nên ăn cà tím
Theo các chuyên gia Đông y, người mắc bệnh dạ dày cần lưu ý khi ăn cà tím bởi cà tím có tính hàn, ăn nhiều dễ làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu gây ra tiêu chảy nặng.
Bên cạnh đó, những người yếu mệt hoặc bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh không nên ăn nhiều và thường xuyên, đặc biệt là cà tím chiên rán vì chứa quá nhiều dầu có thể gây viêm tấy.
Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao, loại axit có trong thực vật mà nếu ăn quá nhiều dễ gây sỏi thận.
Khi chế biến cà tím không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Về cuối thu sang đông quả cà có vị hơi chát, đắng nên thiên về tính hàn hơn nên những người có thể chất hư hàn tránh ăn nhiều, nhất là người đang hay đi ngoài lỏng.