![]() |
Với thị trường Mỹ, xuất khẩu cà phê tiêu không đáng lo ngại. Ảnh Intenet |
Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%.
Chết điếng người khi nghe tin Mỹ áp thuế 46%
Bên lề Hội nghị Phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói sau khi nghe tin Mỹ áp thuế 46% đối với mặt hàng của Việt Nam, tôi chết điếng người... Tôi khẩn trương yêu cầu các đơn vị bàn đối sách ứng phó.
Ông Tiến cho biết, năm 2024, Mỹ đóng góp 13,8 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, đứng thứ nhất, sau đó đến Trung Quốc 13,6 tỷ USD. Tỷ trọng này cho thấy, lợi thế của chúng ta nghiêng về thị trường Mỹ. Thế nhưng, khi nông sản Việt Nam vào Mỹ, chúng ta phải đối mặt với nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá, phải có tiêu chuẩn tương đương và chúng ta đều vượt qua.
“Ở mức thuế mới hiện nay của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng phải dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định.
Theo đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường phải tập trung chỉ đạo sản xuất, làm sao vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác.
Đương nhiên, trong quá trình áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan quản lý của Mỹ, vì Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Vừa rồi, Chính phủ đã họp 2 phiên bàn thảo về chuyện này, tôi tin chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp, trong đó có nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường trong nước.
“Mặt khác chúng ta cũng cần mở rộng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường nào”, Thứ trưởng Tiến lưu ý.
Xuất khẩu cà phê tiêu không đáng lo ngại
![]() |
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex. |
Còn ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex cho hay, Mỹ đang mua cà phê số lượng lớn từ Việt Nam, với thị trường Mỹ, xuất khẩu cà phê tiêu không đáng lo ngại. Lý do, cung đang không đủ cầu. Nếu thuế tăng mạnh, các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang các thị trường khác.
Giá cà phê tăng từ 40.000 đồng/kg lên trên 130.000 đồng/kg, cao hơn gấp 4 lần, người Mỹ cũng mua. Cà phê là mặt hàng thị trường Mỹ cần, nên sử dụng công cụ thuế ảnh hưởng cho người tiêu dùng Mỹ.
Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ chiếm khoảng 10%. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê sang Mỹ đạt 120 triệu USD, tăng 53%. Hiện tại, các thị trường mua cà phê từ Việt Nam đều tăng mạnh. Mỹ đang là nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Đức (278 triệu USD trong 2 tháng đầu năm), Ý (171 triệu USD), Nhật Bản (127 triệu USD). Giả sử áp thuế đối ứng, giá xuất khẩu cà phê hiện là 5.600 USD/tấn, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2024, nếu tăng thuế, người Mỹ phải trả gần 8.000 USD/tấn cho cà phê.
Một số doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu các thị trường lớn trên thế giới vẫn cao, nên giải pháp là tăng bán sang các thị trường khác để né đòn thuế, nếu có. Còn lại, các doanh nghiệu đều cho rằng, thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp dụng ngày 9.4 tới. Lúc này, Việt Nam cũng như các quốc gia đang bị đưa vào danh sách đánh thuế cao này phải ưu tiên đàm phán bằng đường ngoại giao càng sớm càng tốt. Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói "các doanh nghiệp xuất khẩu đang trông chờ vào đường ngoại giao cấp cao trong những ngày tới".