Hoạt động du lịch phục hồi chậm Đà Lạt ứng phó với nguy cơ bùng dịch khi mở cửa đón khách du lịch Khánh Hòa thí điểm đón khách du lịch quốc tế |
Bình Liêu đón du khách với loạt trải nghiệm thú vị |
Giữ vững "vùng xanh" an toàn, tỉnh Quảng Ninh nói chung, Bình Liêu nói riêng đã cho phép mở lại một số hoạt động dịch vụ, thương mại, trong đó các điểm đến du lịch được đón khách.
Bay dù lượn trên mùa vàng, triển lãm ảnh Nhà Văn hóa bản Ngàn Pạt, giải leo núi "Chinh phục sống lưng Khủng long"... là loạt trải nghiệm thú vị đang chờ đón du khách tại Bình Liêu.
Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa vàng và Hội hoa sở Bình Liêu được tổ chức nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kích cầu du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 2 triệu khách du lịch trong quý IV năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021 của huyện Bình Liêu.
Các hoạt động được tổ chức còn nhằm góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Sau đây là diễn biến sự kiện.
Chương trình dự kiến diễn ra lúc 16h30 ngày 13/11, nhưng từ rất sớm, người dân đã kéo về khu vực tổ chức tại sân đình Lục Nà, xã Lục Hồn để dự lễ mừng cơm mới - Tết truyền thống mang đậm bản sắc của người dân tộc Tày vào tháng 10 Âm lịch hàng năm.
Phía sau cánh gà, ban tổ chức tất bật chuẩn bị các khâu cuối cùng trước giờ khai mạc. Tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ trong chương trình đều là người dân các xã, thị trấn trong huyện. Trong trang phục rực rỡ màu sắc, tất cả đều háo hức được giới thiệu nét đẹp văn hoá của dân tộc mình đến đông đảo du khách.
Lễ mừng cơm mới - nét đẹp văn hoá ẩm thực của Bình Liêu
Lễ mừng cơm mới tại đình Lục Nà (xã Lục Hồn). |
Lễ mừng cơm mới là Tết truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của người dân Bình Liêu, được tổ chức để cảm tạ trời đất và ông bà tổ tiên đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hoà đã qua, cũng như cầu nguyện một năm mới được mùa, an lành và hạnh phúc cho mọi người.
Món chính của mâm cơm cúng là món cơm nếp. Người dân Bình Liêu quan niệm rằng, màu xanh đặc trưng của cơm mới tượng trưng cho mùa màng tốt tươi, bội thu. Nếp mới dẻo thơm hoà quyện cùng vị nồng ấm của gừng làm nên một món ăn hài hoà, tròn vị, khiến du khách phương không khỏi ấn tượng.
"Mỗi bài cúng kéo dài 25-30 phút. Với người Tày, lễ cúng đình kéo dài 12 tuần hương, rót 12 lần rượu, còn lễ cúng ông bà, tổ tiên kéo dài 13 tuần hương, rót 13 lần rượu. Đặc biệt, nông dân có anh em, bạn bè ở những địa phương xa như Đông Triều, Cẩm Phả, Hòn Gai... vào dịp này sẽ nấu cơm mới để mời khách tới chung vui. Đây cũng là dịp để mọi người gặp mặt, giúp tình anh em, bạn bè thêm thắm thiết", ông Bế Văn Mản (xã Lục Hồn, Bình Liêu) cho hay.
Sự kiện chính thức bắt đầu
Chương trình nghệ thuật rực rỡ sắc màu, mang đặc trưng văn hoá các dân tộc ở Bình Liêu. |
Mở đầu chương trình là tiết mục văn nghệ do người dân xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh trình diễn. Tiết mục thể hiện những nét đặc trưng trong văn hóa của người dân nơi đây với các dụng cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương (thẻn), kiếm. Đây đều là những vật thiêng của người hành nghề Then, mang tính biểu tượng riêng.
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, phát biểu tại sự kiện: "Tuần văn hóa du lịch Hội Mùa vàng Bình Liêu là sự kiện thường niên được duy trì tổ chức từ năm 2020, với mục đích triển khai có hiệu quả mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện".
"Đây là minh chứng sống động cho việc triển khai chiến lược cụ thể, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế, xã hội, giữ vững đà tăng tưởng trên địa bàn huyện Bình Liêu", ông Ngò cho biết thêm.
Mùa này, trên khắp triền núi, thung lũng Bình Liêu là màu vàng rực rỡ của lúa chín. Những vất vả của ngày mùa không thể át đi niềm vui mừng mùa lúa mới, cho sự no ấm, đủ đầy. Điệu múa "Vũ khúc ngày mưa" diễn tả niềm hân hoan khi thu hoạch một vụ mùa bội thu. Tiết mục tái hiện vũ điệu tưng bừng của đồng bào trong lễ tạ ơn trời đất giữa sắc vàng của ruộng bậc thang.
Tái hiện nghi lễ thôi nôi của người Tày
Ảnh minh họa |
Nối tiếp chương trình là màn tái hiện nghi lễ thôi nôi của người dân tộc Tày. Đây là lễ thức đầu tiên trong chu kỳ vòng đời của con người nên được người Tày chuẩn bị rất chu đáo, công phu.
Theo phong tục, ngày đầy tháng của con cháu, gia đình nào cũng phải mời thầy Tào hoặc Then đến làm lễ và đặt tên cho cháu bé. Lễ vật mang theo khi họ hàng đi dự lễ đầy tháng gồm: Gà mái tơ, gạo nếp thơm, cái nôi được làm từ cây tre, địu thổ cẩm...
Bắt đầu thực hiện lễ, bà ngoại sẽ ẵm cháu bé vào nôi và cất lời ru ...Tất cả mọi người đến bên nôi của bé để tặng quà là những chiếc địu, áo, mũ và hát chúc những điều tốt lành. Đồng thời, thầy Tào chuẩn bị đồ lễ, thắp hương làm lễ đặt tên cho bé mới đầy tháng tuổi. Lúc này, đứa bé sẽ được công nhận là một thành viên mới của gia đình và dòng họ. Sau lễ đầy tháng, đứa bé mới được ra ngoài, được về ông bà ngoại chơi. Người mẹ cũng chính thức hết thời gian ở cữ và bắt đầu vừa nuôi con vừa lao động sản xuất.
Người dân và du khách tham gia sự kiện đều tuân thủ quy tắc phòng chống dịch Covid-19 như quy tắc 5K, giữ khoảng cách 2 m...
Chạm mùa yêu - tiết mục cuối cùng của sự kiện cũng là điểm nhấn về những nét bình dị mà tràn đầy yêu thương của con người Bình Liêu, Chạm mùa yêu cũng là một lời hẹn gửi đến du khách - Hẹn gặp nhau trong bạt ngàn lau trắng, trong hội mùa vàng và trong ánh mắt chạm đến yêu thương; gặp nhau để tận hưởng men say của đất trời biên giới, men say của tình người chân tình, ấm áp...
Bên cạnh nghi lễ mừng cơm mới tại đình Lục Nà và chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ ở lễ khai mạc, Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu còn tổ chức chương trình dù lượn bay trên mùa vàng, triển lãm ảnh Nhà Văn hóa bản Ngàn Pạt, giải leo núi "Chinh phục sống lưng Khủng long" và lễ khánh thành điểm dừng chân cột mốc 1305.
Ngoài ra, du khách đến với Bình Liêu còn có cơ hội tham quan nhiều điểm du lịch: Vườn hoa Cao Sơn, danh thắng ruộng bậc thang, di tích Thác Khe Vằn, các cột mốc biên giới...
Trong Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh, Đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, giai đoạn 2020-2025, hay Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc địa phương, huyện Bình Liêu là một trong những địa phương được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển.
Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội mùa vàng và Hội hoa sở Bình Liêu năm 2021 là hoạt động góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn Bình Liêu, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.