Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 2 của bệnh viện đặt tại Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2025.
![]() |
PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. |
Trong giai đoạn đầu, bệnh viện sẽ triển khai mua sắm các thiết bị y tế cơ bản nhưng thiết yếu như máy siêu âm, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) cùng nhiều thiết bị chẩn đoán hình ảnh khác. Danh mục thiết bị, cấu hình kỹ thuật và giá sơ bộ đã được hoàn thiện và trình Bộ Y tế thẩm định.
Về lâu dài, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 sẽ đầu tư thêm hệ thống thiết bị xạ trị. Trong khi đó, cơ sở 1 của bệnh viện sẽ được trang bị máy xạ trị gia tốc phục vụ điều trị bệnh nhân ung thư từ năm 2025. Việc này nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế hiện đang quá tải với bệnh nhân cần xạ trị.
Ông Cơ cho biết, mục tiêu của bệnh viện là đảm bảo chất lượng chuyên môn của cơ sở 2 tương đương với cơ sở 1. Trước mắt, đội ngũ y bác sĩ sẽ được luân phiên điều động từ cơ sở 1 sang cơ sở 2. Bệnh viện cũng đã tiến hành đào tạo bổ sung điều dưỡng và bác sĩ nội trú để đáp ứng yêu cầu khi cả hai cơ sở cùng đi vào vận hành.
“Chúng tôi hướng tới xây dựng cơ sở 2 không chỉ là bệnh viện vệ tinh mà là mô hình bệnh viện thông minh, có khả năng đồng bộ dữ liệu với cơ sở chính, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong quản lý, khám và điều trị bệnh,” ông Cơ chia sẻ.
Cơ sở 2 tại Hà Nam được kỳ vọng sẽ tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình... Việc này sẽ giúp hàng ngàn người bệnh và người nhà không còn phải di chuyển lên Hà Nội để khám, chữa bệnh tại cơ sở 1, từ đó giảm chi phí, thời gian đi lại và góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại thủ đô.
Đặc biệt, bệnh viện đã kiến nghị tỉnh Hà Nam thiết lập tuyến xe buýt kết nối hai cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân.
![]() |
Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: TTO |
Được biết, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã được khởi công từ hơn 10 năm trước nhưng tiến độ bị chậm trễ do nhiều nguyên nhân. Dù khu khám bệnh từng mở cửa từ năm 2018, nhưng phải đóng lại vì hoạt động đơn lẻ không hiệu quả do toàn bộ bệnh viện chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, từ cuối năm 2024, các vướng mắc pháp lý đã dần được tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án xây dựng cả hai bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2.
Ngày 17/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực địa hai dự án tại Hà Nam. Theo báo cáo từ Bộ Y tế, ngày 19/2, Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 34 của Chính phủ về cơ chế và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hai dự án y tế trọng điểm này. Bộ cũng đã điều chỉnh tiến độ thực hiện, đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng trong năm 2025 và quyết toán trước cuối năm 2026.
Đối với Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, phần xây dựng dự kiến hoàn thành trước ngày 15/7. Trong khi đó, cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dự kiến hoàn tất trước ngày 15/9. Bộ Y tế đang khẩn trương thẩm định định mức sử dụng, cấu hình và danh mục thiết bị y tế chuyên dùng cho cả hai bệnh viện, đồng thời hướng dẫn các bước đấu thầu, mua sắm thiết bị nhằm bảo đảm tiến độ triển khai. Riêng đối với Bệnh viện Việt Đức, hồ sơ mời thầu thiết bị y tế dự kiến sẽ được phát hành trước ngày 30/5 tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Bộ đang chỉ đạo sát sao, phân công rõ ràng nhân lực cho từng phần việc để bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, việc triển khai các gói thầu thiết bị và hạ tầng vẫn là thách thức lớn do liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý và yêu cầu kỹ thuật cao.
Việc đưa hai cơ sở bệnh viện lớn này vào hoạt động không chỉ là bước phát triển quan trọng của ngành y tế, mà còn là giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và tăng cường công bằng trong tiếp cận y tế cho người dân cả nước.
Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai – một trong những bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt lớn nhất cả nước – đang tiếp nhận từ 8.000 đến 11.000 lượt khám ngoại trú và 4.500 đến 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày, gây áp lực lớn lên cơ sở vật chất và nhân lực y tế hiện có.