Cần hành lang pháp lý
Năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu: vào năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93 - 95%. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, mục tiêu đặt ra còn cách rất xa. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp nước sạch của nhà nước vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ, cùng vơi những nghịch lý ở thị trường nước sạch hiện nay đã khiến cho người dân phải chịu thiệt thòi.
Theo các chuyên gia, việc kêu gọi xã hội hóa (XHH) đầu tư nước sạch là cần thiết. Tuy nhiên,, nhưng để tư nhân tham gia hiệu quả trong thị trường này thì cần phải hoàn thiện thêm các quy định luật pháp, tạo hành lang pháp lý vững chắc để cấp nước an toàn.
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ& Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho rằng, hiện nay mới có chính sách tư nhân vào trong ngành cấp nước. Tuy nhiên, việc tái đầu tư, sản xuất thì chưa ổn vì hiện nay công nghệ cấp nước của Việt Nam so với thế giới thì lạc hậu khá sâu. Ví như, trên thế giới đã khử trùng nước bằng clo từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, hiện đã chuyển sang khử trùng bằng ozon các bậc, thậm chí đã chuyển sang khử trùng bằng tia cực tím. Với việc khử trùng như vậy, người ta chỉ tiêu diệt những virus có hại cho con người, còn những virus có lợi thì để lại. Trong khi đó, tại Việt Nam phần lớn doanh nghiệp cung cấp nước sạch vẫn khử trùng với clo, diệt sạch virus lợi và hại. Thậm chí, người dân sử dụng nước dùng clo khử trùng còn bị vàng răng sau một thời gian sử dụng.
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam |
Ngoài ra, điều hành hệ thống cấp nước từ nhà máy cho đến mạng lưới vẫn làm bằng tay trong khi đó sự bùng nổ cách mạng công nghệ 4.0. chuyển đổi số. Do đó, ông Huân cho rằng, cần phải đưa ra cơ chế vận hành, cơ chế kiểm soát và cơ chế thu hút được nguồn lực tư nhân. Thực tế, hiện nay tư nhân cũng đã tham gia một phần, nhưng nhà nước lơi lỏng quản lý dẫn đến hiện tượng đầu tư dàn trải. “Tư nhân vẫn sẽ rất hào hứng đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước nếu có chính sách tốt. Trong đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà nước có thể đầu tư ở vùng sâu vùng xa hoặc chỉ là vốn mồi thôi để thu hút tư nhân. Khi có tư nhân đầu tư, quản lý thì sẽ bền vững hơn. Quan trọng là cần có hành lang pháp lý thuận lợi để tư nhân tham gia”, ông Huân nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho rằng Việt Nam có nguy cơ “lỡ hẹn” đối với mục tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch vào năm 2025. Theo Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%. Trong khi đó, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan và 11,4% hộ sử dụng giếng đào được bảo vệ. Đặc biệt, tỷ lệ hộ gia đình tại thành thị tiếp cận được nước máy đạt 84,2% trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%. “Tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý. Trong khi Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư, còn thời thị trường vẫn không thu hút hiệu quả đầu tư của tư nhân”, ông Đồng nói.
Cần minh bạch thông tin
Theo các chuyên gia, khi đầu tư vào nướcc sạch, doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao cả về giá và về khối lượng được mua dưới công suất. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. Tình trạng “tranh tối, tranh sáng” khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm trục lợi chính sách và cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Đồng phân tích: Hiện nay, giá nước sạch được điều tiết bởi nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh/thành phố quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định. Vì vậy, giá nước sạch tại mỗi địa phương là khác nhau. Trên thực tế, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cho rằng mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt thấp; thêm vào đó, tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng, khung giá bán lẻ nước là giá lũy tiến, đặc biệt nước sinh hoạt cho hộ gia đình còn thấp: từ 0m3- 10m3 giá 5.973 đồng/m3; từ 10m3 – 20m3 giá 7.052 đồng/m3; từ 20m3 – 30m3 giá 8.669 đồng/m3; trên 30m3 giá 15.929 đồng/m3; và hầu như giá nước không được điều chỉnh tại các địa phương trong nhiều năm. Địa phương cho rằng, nếu giá nước cao thì người dân không tiếp cận được. Tuy nhiên, nếu giá nước thấp thì doanh nghiệp không thể tham gia đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Huân cũng cho rằng, hiện nay chưa có một hệ thống cơ quan nào quản lý đánh giá công ty cấp - thoát nước trên toàn quốc để so sánh, hoặc có chỉ số để theo dõi. Nếu như trước đây, có các tổ chức nhà nước như Phần Lan, Úc... hỗ trợ cho Hội Cấp thoát nước theo dõi đánh giá chỉ số nước, xếp hạng cho các công ty cấp thoát nước hàng năm. Nhưng khi họ không đầu tư nữa, Hội Cấp thoát nước cũng không có nguồn vốn hoạt động. Từ đó, hệ thống theo dõi, đánh giá bị bỏ lửng dù các cơ sở dưới dữ liệu đã được xây dựng.
Về giải pháp phát triển ngành cấp nước sạch, các chuyên gia cho rằng cổ phần hóa và thoái vốn là phương pháp để đạt được 3 mục tiêu: đổi mới mô hình quản trị, huy động vốn và đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến đảm bảo mục đích doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Theo đó, cổ phần hóa là chủ trương đúng để thu hút vốn tư nhân. Tuy nhiên, khi thu hút tư nhân mà nhà nước buông lỏng quản lý thì doanh nghiệp cũng sẽ ở mức duy trì số lượng để kinh doanh thay vì đổi mới để có chất lượng tốt nhất. Tức là, nhà nước không tạo cho các doanh nghiệp tư nhân một cơ chế cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ thì sẽ khó phát triển. Bởi lẽ, nước là loại sản phẩm đặc biệt, nên trong vùng cấp nước không thể có 2 công ty nhảy vào cạnh tranh. Nhưng nếu không có hệ thống đánh giá thì công ty cấp nước nhận được vùng nước đó và mặc sức bán nước mà không đổi mới công nghệ.
Vì vậy, khi cổ phần hóa rồi cần phải yêu cầu doanh nghiệp cam kết các dịch vụ. Nhà nước phải có đại diện để kiểm soát hoạt động và tuân thủ các cam kết. Chứ như hiện nay doanh nghiệp không có cam kết gì, cứ cổ phần bán vốn là vào, còn cấp và dùng như nào không kiểm soát, ông Huân nói.
Ông Olli Keski Saari, chuyên gia ngành nước, Giám đốc Công ty nước tại Phần Lan cho rằng: Quản lý rủi ro, quản lý tài sản, kiểm soát chất lượng nước uống và kiểm soát xả nước thải tại Việt Nam nhìn chung vẫn yếu. Ông Olli Keski Saari cho rằng, việc ngành nước không cung cấp thông tin minh bạch với khách hàng, hay việc các chủ nhà máy nước chạy theo việc tối đa hóa lợi nhuận hơn là tối ưu hóa chất lượng dịch vụ về nước, là những vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Trong khi đó, các vấn đề khác gây khó khăn với các nhà đầu tư như 1uy trình chuẩn bị dự án tại Việt Nam kém hiệu quả, tốn thời gian và cứng nhắc. Đồng thời, các điều khoản hợp đồng không rõ ràng giữa chính quyền địa phương và các nhà đầu tư tư nhân. Để ngành cấp nước phát triển, Việt Nam cần thiết phải thay đổi và minh bạch thông tin”, ông Olli nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, cần phải tư nhân hóa, xã hội hóa vấn đề cấp nước sạch bởi lẽ nhà nước không thể bao cấp mãi được. Thay vào đó, nguồn vốn nếu để đầu tư nước sạch nhà nước có thể đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng còn khó khăn. Khi có sự tham gia của tư nhân sẽ tạo ra sự canh tranh về dịch vụ cũng như giá cả, chất lượng và người hưởng lợi là người tiêu dùng. Đây cũng là mục tiêu mà nhà nước hướng tới”, ông Ngọc nói.